Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc diễn tập nhiều ẩn ý

Trung Hiếu| 10/05/2013 07:05

(HNM) - Mỹ lại có cuộc biểu dương sức mạnh mới tại Vịnh Persian. Lực lượng hải quân hùng mạnh bậc nhất thế giới đã dẫn đầu cuộc diễn tập rà phá thủy lôi, kéo dài đến hết ngày 30-5, với sự tham gia của hải quân đến từ 41 quốc gia.


Đây là sự hợp tác hàng hải lớn thứ hai tại vùng Vịnh trong vòng chưa đầy một năm qua. Mặc dù không có tuyên bố chính thức về việc cuộc diễn tập hải quân rầm rộ nhằm chống lại mối đe dọa cụ thể gì, nhưng dư luận chưa quên lời cảnh báo sẽ đóng cửa eo biển Hormuz của Iran. Do đó, sự kiện đang diễn ra tại Bahrain được nhìn nhận như "đòn răn đe" mới của Nhà Trắng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran vẫn "giẫm chân tại chỗ".



Với sự tham gia của 100 thợ lặn quân sự, 35 tàu thuyền và 18 tàu ngầm không người lái của các quốc gia, mục đích chính của cuộc diễn tập là bảo đảm an toàn cho các tuyến đường hàng hải đi qua eo biển trọng yếu này. Khẳng định nhiệm vụ duy trì tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế, cuộc thao diễn quy mô bao gồm kịch bản huấn luyện tác chiến trên bờ và các cuộc tập trận với tàu chiến và thiết bị hải quân. Trong đó, dò tìm và vô hiệu hóa bom, mìn, ngư lôi, tìm kiếm và bắt giữ tàu địch là nhiệm vụ chính. Về tính hiệu quả của cuộc biểu dương sức mạnh giữa Mỹ và các đồng minh, Phó đô đốc John W.Miller, Tư lệnh Hạm đội 5 hải quân Mỹ khẳng định, nếu quả thực có ai muốn rải mìn xuống biển thì kẻ đó sẽ bị giải quyết.

Do vậy, bên cạnh việc bảo đảm an ninh tuyến đường biển huyết mạch, cuộc phô diễn sức mạnh quân sự đã làm tăng nhiệt tại vùng Vịnh. Ngay khi có thông tin về cuộc diễn tập, Tehran đã tìm cách tăng cường năng lực cho hải quân, trong đó có kế hoạch hạ thủy các tàu ngầm mới. Trước đó, để thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong việc bảo vệ tự do hàng hải, Chuẩn Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Habibollah Sayyari cũng đã thông báo việc một số tàu chiến của Iran đã lên đường để tới vùng tam giác chiến lược giữa các eo biển Malacca, Bab El-Mandev và Hormuz. Đây là khu vực có vai trò vô cùng quan trọng đối với Tehran, nơi mà 93% tổng lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran phải đi qua.

Chưa rõ Tehran sẽ có những hành động gì tiếp theo để phản ứng động thái của Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là chiến lược của các bên liên quan đều cho thấy sự căng thẳng chưa lắng dịu giữa phương Tây và Iran. Cuộc tập trận hải quân diễn ra ngay khi có thông tin cho biết, Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ tiến hành vòng đàm phán mới vào ngày 15-5 tới tại Vienna (Áo) để bàn về hồ sơ hạt nhân của Tehran. Dư luận đang chờ đợi những tín hiệu tích cực trong cuộc gặp gỡ sắp tới nhằm khai thông bế tắc cho vấn đề sở hữu nguyên tử của Iran. Song, không có quá nhiều lạc quan vào một bước đột phá khi vòng đàm phán hồi đầu tháng 4 vừa qua giữa Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) với Iran tại Almaty (Kazakhstan) đã không đạt được thỏa thuận nào. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU), bà Catherine Ashton, tuyên bố quan điểm của hai bên cơ bản vẫn khác biệt. Còn Ngoại trưởng Anh William Hague nói rằng, vẫn còn một khoảng cách lớn giữa các bên và quan điểm hiện tại của Iran còn cách xa những điều kiện để có thể đạt được một bước tiến mới trong đàm phán. Về phần mình, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, ông Saeed Jalili nhấn mạnh các cường quốc thế giới cần phải giành được niềm tin của người dân Iran trong tiến trình thương lượng về chương trình hạt nhân và kêu gọi các bên tham gia có thái độ thích hợp.

Vì vậy, những diễn biến mới nhất đều không cho thấy triển vọng tích cực trong việc tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc đối đầu giữa phương Tây và Iran. Cuộc diễn tập hải quân tại vùng Vịnh là một "bằng chứng" phản ánh thực tế đó. Mỹ rất lạc quan với thành công và hiệu quả thực tế của sự phối hợp quy mô này. Nhưng quan trọng hơn là nó đã thể hiện rõ ràng quan điểm cứng rắn của Mỹ với chính quyền của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc diễn tập nhiều ẩn ý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.