(HNM) - Trong các cuộc họp giao ban về quản lý nhà nước gần đây, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ sớm hoàn thiện quy định về việc xây dựng giá sàn cho dịch vụ thông tin di động cho thấy việc quản lý dịch vụ này vẫn cần giá sàn.
Khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ tại một đại lý của Vietnammobile. Ảnh: Đức Anh |
Cách đây 4 năm, thời điểm mà các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động cạnh tranh quyết liệt bằng việc liên tiếp giảm cước, đưa ra các gói cước gọi nội mạng, tặng giá trị tài khoản nhân ba…, vì thế quy định về giá sàn đã được đề cập, nhằm hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh (bán dưới giá thành) dẫn đến nguy cơ vỡ thị trường. Thực tế, từ năm 2010, Bộ TT-TT đã chủ trì nhiều cuộc họp với các doanh nghiệp (DN) và đơn vị liên quan để xây dựng quy định về giá sàn cho các nhà mạng. Trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng vào thời điểm đó, lãnh đạo Vụ Viễn thông (nay là Cục Viễn thông) từng chia sẻ đại ý rằng, ở một góc độ nào đó giá sàn cho dịch vụ di động chính là giá thành và các cơ quan quản lý nhà nước dựa trên khung giá đó có biện pháp quản lý, không để cho DN bán phá giá. Đặc biệt, giá sàn mạng di động được tính dựa trên một số tiêu chí, trong đó có quy mô mạng lưới, vốn đầu tư… do vậy không có giá thành chung cho tất cả nhà mạng. Có thể hiểu là giá sàn của các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone sẽ khác với giá sàn quy định cho các nhà mạng nhỏ. Song, từ đó đến nay quy định về giá sàn vẫn chưa được hoàn thành đã cho thấy để có một khung pháp lý về giá cước là chuyện không phải đơn giản.
Cũng vì chưa có quy định về giá sàn nên trong thời gian qua, nhà mạng liên tiếp cạnh tranh đưa ra các gói cước từng được xác định là bán phá giá thị trường. Chẳng hạn, tháng 9-2011, Beeline đưa ra gói "Tỷ phú 1" được coi là gây chấn động thị trường khi tạo ra một cơn sốt "hút" khách hàng mua sim kèm máy về sử dụng. Tuy nhiên, do gói cước này có dấu hiệu bán phá giá nên sau một thời gian ngắn, Bộ TT-TT đã yêu cầu nhà mạng nhỏ này ngừng cung cấp và giải trình với cơ quan quản lý nhà nước… Tiếp đến là việc các nhà cung cấp dịch vụ di động như Viettel, Mobifone, Vinaphone đưa ra các gói cước nội mạng chỉ với 90.000 đồng/tháng, khách hàng được miễn phí gọi nội mạng (gọi nội mạng di động và gọi tới số cố định cũng thuộc mạng đó) tới 1.500 phút, tính ra giá chỉ 60 đồng/phút - mức quá thấp.
Đại diện Thanh tra Bộ TT-TT cho biết, việc chưa có giá sàn di động khiến thanh tra và quản lý nhà nước địa phương chưa đủ căn cứ để xử phạt các DN. Vị đại diện này cũng đề xuất, trong thời gian chưa tính được giá sàn cho di động thì cứ tạm lấy giá sàn của dịch vụ cố định (hiện là 200 đồng/phút) để làm căn cứ và các DN cung cấp dịch vụ di động không được đưa ra giá thấp hơn 200 đồng/phút.
Một vấn đề nữa là để cạnh tranh, các DN viễn thông trong nước đua nhau hạ giá điện thoại quốc tế chiều về. Theo quy định đã được Bộ TT-TT ban hành, cước dịch vụ này là 855 đồng/phút (khoảng 4,1 cent/phút) và hành vi bán dưới giá thành 15% được coi là phá giá (trung bình ở các nước trên thế giới tính 5 cent/phút tương đương 1.000 đồng/phút). Tuy nhiên, một số DN lại bán phá giá chỉ còn dưới 600 đồng/phút và theo phân tích, mức cước trên cộng với số liệu về số lượng cuộc gọi quốc tế về Việt Nam thì sự bán phá giá này ước tính mỗi năm các DN viễn thông bị thiệt hại tới hàng chục triệu USD.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, việc phải có một khung pháp lý về giá cước là nhằm để các DN cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng cạnh tranh triệt phá nhau dẫn đến bất lợi cho thị trường. Nhưng với khách hàng, việc nhà mạng giảm giá lại là tin vui, nhất là trong thời buổi giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều tăng. Nhưng suy cho cùng, với dịch vụ nào cũng vậy, nếu không có sự quản lý sẽ xảy ra hoặc là độc quyền hoặc là cạnh tranh triệt tiêu nhau. Đằng sau sự cạnh tranh triệt tiêu nhau ắt hẳn DN nào mạnh sẽ tồn tại, nhưng rất có thể sau khi loại bớt đối thủ, họ sẽ bắt tay nhau cùng tăng giá và khi đó khách hàng sẽ bị thiệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.