Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đấu trí mới trên "bàn cờ" Đông Bắc Á

Quỳnh Dương| 09/03/2017 06:57

(HNM) - Không chỉ khiến mối quan hệ vốn đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa Hàn Quốc và Triều Tiên thêm căng thẳng, Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Mỹ lắp đặt tại xứ sở Kim chi đang có nguy cơ biến Đông Bắc Á trở thành chiến trường mới cho những đối đầu Đông - Tây khi kéo các bên liên quan vào cuộc.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đang được lắp đặt tại Hàn Quốc.


Ngay sau khi Mỹ đưa bộ phận THAAD đầu tiên tới Hàn Quốc ngày 7-3, cả Trung Quốc và Nga đã lên tiếng phản đối gay gắt, đồng thời cho rằng, việc triển khai THAAD ở bán đảo Triều Tiên vượt xa chính sách ngăn chặn Bình Nhưỡng và có thể phá vỡ sự cân bằng chiến lược trong khu vực. Theo một số phân tích quân sự, THAAD có tầm hoạt động lên đến trên 200km và được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trung bình.

Bên cạnh đó, hệ thống này cũng đi kèm những cụm radar cực mạnh mà Trung Quốc và Nga đã nhiều lần tuyên bố là có thể đặt ra mối đe dọa an ninh đối với những lợi ích của họ. Theo nhận định từ một chuyên gia vũ khí của Nga, Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc không chỉ nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên vì phạm vi che phủ cơ bản của hệ thống này quá rộng, thậm chí có thể đánh chặn tên lửa bên ngoài tầng khí quyển.

Do đó, tuyên bố của Mỹ rằng việc triển khai THAAD để đối phó với Bình Nhưỡng chỉ là một cái cớ mà mục tiêu sâu xa hơn là nhằm vào Trung Quốc và Nga. Vì thế, phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh và Mátxcơva đối với THAAD - đã được dự báo trước- phát đi những tín hiệu cho thấy hai quốc gia đã sẵn sàng cho cuộc đấu trí mới trên "bàn cờ" ở Đông Bắc Á.

Thực ra, trong những năm gần đây, Mỹ đã liên tục thúc đẩy các dự án chống tên lửa trên toàn cầu, trước đó là Hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Châu Âu (MMDS) với lý do đề phòng mối đe dọa hạt nhân từ Iran. Tuy nhiên, theo quan điểm của Nga, đây là nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm xoay chuyển cán cân lực lượng trong khu vực và kiềm chế Mátxcơva. Các chuyên gia quân sự của Nga cho rằng, hệ lụy của việc năm 2001, Mỹ rút khỏi Hiệp ước với Liên Xô cũ về chống tên lửa đạn đạo (ABM) ký năm 1972 đang dần hiện rõ trên các vấn đề an ninh quốc tế.

Hiện tại, dư luận thế giới đang lo ngại, diễn biến mới tại Hàn Quốc có thể mở đường cho một cuộc chạy đua vũ trang khi Nga và Trung Quốc áp dụng các biện pháp ứng phó. Điều này sẽ khiến an ninh và ổn định trong khu vực, thậm chí trên thế giới, phát triển theo xu hướng tiêu cực lâu dài. Ngoài ra, lòng tin giữa ba cường quốc đối với tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên sẽ mất nhiều động lực. Bình Nhưỡng cũng có thể vì thế tiếp tục triển khai dự án hạt nhân gây tranh cãi suốt hàng chục năm qua.

Trong khi đó, nguy cơ bùng nổ cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đang cận kề. Bên cạnh lệnh cấm người dân đi du lịch có thể gây thiệt hại lớn đối với Hàn Quốc, hàng hóa của xứ Kim chi cũng đang là mục tiêu bị nhắm tới khi giới truyền thông Trung Quốc gần đây liên tục kêu gọi tẩy chay. Nhiều công ty ở nước này đã tuyên bố cắt đứt quan hệ kinh doanh với Lotte của Hàn Quốc sau khi tập đoàn này nhất trí đổi đất để Chính phủ triển khai THAAD. Liên tiếp các cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài các siêu thị Lotte tại Trung Quốc những ngày qua. Một cuộc tấn công mạng, sử dụng địa chỉ nhận dạng Trung Quốc, cũng vừa khiến trang tiếng Trung của Công ty bán lẻ hàng miễn thuế Lotte Duty Free tê liệt.

Theo giới quan sát, một loạt động thái kể trên là dấu hiệu rõ ràng cho thấy công cụ kinh tế đang được sử dụng triệt để khi những khúc mắc về chính trị chưa được sáng tỏ. Chưa rõ Seoul sẽ đưa ra những biện pháp gì để ứng phó nhưng chắc chắn rằng THAAD sẽ khiến tình hình khu vực này thêm phức tạp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đấu trí mới trên "bàn cờ" Đông Bắc Á

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.