(HNM) - Theo tin từ hai nhà mạng S-Fone và Beeline, các đối tác đang trong quá trình đầu tư thêm vốn. Điều này đồng nghĩa với việc nhà mạng này có thêm cơ hội để kinh doanh trong thời buổi cạnh tranh quyết liệt trên thị trường di động hiện nay.
Các nhà mạng nhỏ liệu có thành công khi được hỗ trợ thêm vốn. Ảnh: Thanh Hải
Trong tháng 4, Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SaigonTel) đã phát đi thông báo về việc mua lại 35.983.665 cổ phiếu của Công ty CP Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) đơn vị chủ quản của mạng S-Fone. Phương án đã được cổ đông thông qua. SaigonTel và SPT đang trong quá trình đàm phán. Nếu thương vụ mua bán này thành công, SaigonTel sẽ là cổ đông lớn nhất của SPT, giữ 30% vốn điều lệ, tham gia vào Hội đồng quản trị và Ban điều hành của SPT. SaigonTel sẽ trực tiếp tham gia điều hành các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, trong đó có mạng di động S-Fone. Sau khi SK Telecom của Hàn Quốc rút vốn đầu năm 2010, SPT cũng đã "gọi" các đối tác trong, ngoài nước đầu tư vào mạng S-Fone. Sau S-Fone, hãng viễn thông VimpelCom (Nga) và Tổng Công ty Viễn thông toàn cầu (GTel) cũng tuyên bố đầu tư 500 triệu USD cho mạng di động Beeline Việt Nam từ năm 2011 đến năm 2013. Theo đó, VimpelCom đầu tư 196 triệu USD để phát triển mạng di động, số tiền 304 triệu USD còn lại sẽ được triển khai khi liên doanh GTel Mobile đạt được kết quả kinh doanh nhất định...
Như vậy, thông tin hai nhà mạng Beeline và S-Fone đã, sẽ được tăng thêm vốn không chỉ là tin vui cho các nhà mạng này. Bởi, lâu nay việc thiếu vốn khiến họ chưa thể tạo đột phá trong kinh doanh, trong khi thị trường cạnh tranh quyết liệt. Và khi có đối tác kinh doanh mới như S-Fone, hoặc được tăng vốn như Beeline, đồng nghĩa với việc họ có thể đầu tư mạnh hơn cho phát triển hạ tầng, quảng bá hình ảnh, khuyến mãi… Như vậy cuộc cạnh tranh thu hút thuê bao lại bắt đầu và khi các mạng nhỏ "lên tiếng" liệu có đe dọa vị trí của 3 "đại gia" Viettel, Mobifone và Vinaphone?.
Trước hết, đánh giá dưới góc độ vốn đầu tư, lĩnh vực di động được coi là cuộc "chơi" của hàng chục nghìn tỷ đồng. Chẳng hạn, năm 2008 khi thi tuyển xin giấy phép 3G, Viettel cam kết đầu tư gần 13.000 tỷ đồng cho mạng lưới, trong đó lắp 15.000 trạm thu phát sóng (BTS) 3G trong 3 năm. Tuy nhiên, đến hết năm 2010, nhà mạng này thông báo con số trạm 3G đã lên tới 17.000. Được biết, đến hết năm 2011, Viettel sẽ nâng số trạm BTS 3G lên 22.000. Phát triển hạ tầng không chỉ có BTS và như vậy số tiền mà Viettel cam kết đầu tư cho 3G sẽ cao hơn nhiều so với cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông. Tương tự, cả Mobifone và Vinaphone đều đầu tư lớn cho phát triển mạng lưới. Chưa biết S-Fone sẽ được "bơm" thêm bao nhiêu vốn (vì đang trong giai đoạn đàm phán), Beeline có thêm 500 triệu USD, nhưng nếu đem so sánh với Viettel đầu tư cho 3G, số tiền này chưa đủ để tạo đột phá. Hơn nữa, trong lĩnh vực di động vốn được mệnh danh là cạnh tranh khốc liệt, thì để có được bước đột phá còn phải có kinh nghiệm… Đơn giản, bài học từ sự thất bại về chiến lược của đối tác SK Telecom (Hàn Quốc) khi đầu tư vào S-Fone những năm trước hoặc Hutchinson (Hồng Công - Trung Quốc) khi xây dựng mạng HT Mobile vẫn còn đó. Hay việc FPT phải rút lui sau khi định mua cổ phần của EVN Telecom cho thấy, kinh doanh di động không phải là việc ai cũng có thể làm được.
Tuy nhiên có thể thấy rằng việc các đối tác đổ tiền vào các mạng di động nhỏ, cũng cho thấy thị trường di động vẫn còn sức hấp dẫn. Theo thống kê, hết tháng 4, cả nước có 164,3 triệu thuê bao điện thoại, trong đó di động khoảng 158 triệu-thực chất là số sim kích hoạt, khó có thể có con số chính xác về người sử dụng. Như vậy, cơ hội vẫn chia đều cho các mạng di động. Liệu các mạng nhỏ có thành công? Câu trả lời vẫn ở phía trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.