(HNM) - Nền tài chính được đánh giá là an toàn và có ảnh hưởng hàng đầu thế giới dường như đã không còn giữ vị trí độc tôn nữa.
Sự kiện ngân hàng Barclays, lớn thứ hai nước Anh, dính líu vào vụ thao túng lãi suất liên ngân hàng London và liên ngân hàng Châu Âu đã lộ ra những khoảng tối tại nơi vốn được xem là kinh đô tài chính của Lục địa già và thế giới.
Sau khoản tiền phạt lên tới 290 triệu bảng (khoảng 452 triệu USD), lần lượt Chủ tịch ngân hàng Barclays, Marcus Agius rồi sau đó là Giám đốc điều hành (CEO) Robert Diamond đã phải tuyên bố từ chức. Sự kiện này dù được dư luận Anh đánh giá như một điển hình cho "văn hóa chịu trách nhiệm" nhưng cũng không làm giảm đi tính nghiêm trọng của vụ bê bối như một cơn địa chấn làm rung chuyển hệ thống tài chính của đảo quốc mù sương. Thừa nhận một số nhân viên giao dịch đã cố ý làm sai lệch tỷ lệ lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, sự việc thực chất không còn là chuyện của riêng nước Anh. Vì chỉ số này được cả trăm ngân hàng trên thế giới sử dụng làm chuẩn để định ra các mức lãi suất cho vay từ mua nhà trả góp đến thẻ tín dụng... với tổng trị giá ước tính lên đến 360 nghìn tỷ USD. Do đó "biến cố Barclays" được xem như một gáo nước lạnh dội vào hệ thống ngân hàng toàn cầu. Không chỉ có vậy, trong điều kiện lãi suất thực còn là chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ an toàn của một tổ chức tài chính, việc thông đồng lãi suất khiến nhiều ngân hàng áp dụng mức lãi thấp hơn thực tế đã tạo cảm giác an toàn ảo cho các khách hàng. Vì lẽ đó, điều đang được nói nhiều nhất hiện nay không còn nằm ở chỗ Barclays đã phạm phải điều tối kỵ về đạo đức trong kinh doanh ngân hàng mà thực chất sự dối lừa của nó đang mang đến nguy cơ một "cuộc đảo chính" niềm tin của dư luận đối với hệ thống tài chính toàn cầu.
Sự nghiêm trọng của vấn đề đã khiến Thủ tướng Anh David Cameron yêu cầu điều tra khẩn cấp trên diện rộng một loạt các ngân hàng lớn của nước này từ RBS, Lloyds đến HSBC... Thế nhưng, động thái đó cũng không thể làm các cổ đông Barclays và người dân xứ Sương mù quên đi một sự thật là, những phi vụ làm ăn gian dối từng làm lung lay hệ thống tài chính một số quốc gia khác thực chất đã ăn sâu bén rễ ở trung tâm tài chính vốn nổi danh bởi uy tín và sự minh bạch trong mọi giao dịch. Lời thừa nhận những hành động phi pháp này đã bắt đầu từ năm 2010 dưới thời chính phủ cũ của nước Anh đã gây choáng váng quốc đảo này. Di sản không mong muốn được tiếp nối đến ngày hôm nay do đó từng được dự báo cũng có khả năng tạo nên một dư chấn chính trị tai hại tại quốc gia này.
Không là thành viên của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), nước Anh tưởng như sẽ vô can trong cơn giông tố đã và đang đốn ngã những thành viên của liên minh tiền tệ lớn nhất thế giới. Song đến lúc này, có một câu hỏi đặt ra là phải chăng những hệ lụy của cuộc khủng hoảng chưa từng có tại Lục địa già đã làm hé lộ những góc khuất chẳng thể ngờ tới tại một trong những trung tâm tài chính lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, vận đen mà Barclays đang trải qua không chỉ đặt ngân hàng này trước một áp lực hiển hiện về sự tồn vong mà quan trọng hơn, nó đã khắc sâu thêm sự hoài nghi đang loang nhanh của các nhà đầu tư với các tổ chức tiền tệ tại nước Anh và trên thế giới. Kể từ sau cú vấp ngã của đế chế Lehman Brothers đẩy nền kinh tế toàn cầu vào vòng suy thoái bốn năm trước, đây là lần đầu tiên một vụ bê bối tài chính nữa từ một cột trụ của chủ nghĩa tư bản lại làm rung chuyển sự bền vững vốn mong manh của kinh tế thế giới.
Các cổ đông của Barclays đang đứng ngồi không yên bởi sự tụt dốc được dự báo của một trong bốn ngân hàng lớn nhất nước Anh. Trong khi đó, các nhà đầu tư khắp hành tinh bị đẩy vào một tâm trạng lo lắng cùng hoài nghi về sự “cướp đoạt” mới mà họ có thể là nạn nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.