(HNM) - Năm nay, tròn một trăm năm (5/6/1911 - 5/6/2011) ngày một con người trăn trở trước cảnh dân của một đất nước sống nô lệ lầm than vì bị thực dân đô hộ, phong kiến áp bức rời xa quê hương.
Trăm năm qua, những biến đổi trên đất nước này đều gắn với tên tuổi của một con người mà không chỉ nhân dân trong nước, mà cả nhân loại tiến bộ đều kính yêu, ngưỡng mộ. Người đó là Hồ Chí Minh, mà nhân dân ta luôn gọi là Bác Hồ.
Phong cảnh Bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: Đình Huệ
Sự kiện một trăm năm ngày khởi đầu một cuộc dấn thân vì nghĩa lớn của Bác là sự lặn lội tìm đường cứu dân, cứu nước, mà kết quả là sự chuẩn bị cho một thời đại mới trên đất nước ta. Chúng ta có thể suy ngẫm nhiều điều về chặng đường dấn thân của Bác để sống cho xứng đáng với Bác.
1. Ngày Bác rời cảng Nhà Rồng không phải ngẫu nhiên mà là chủ định của một nhà giáo yêu nước. Chuyến xa quê hương là một quyết tâm tìm kiếm con đường cứu dân, cứu nước từng nung nấu trong tâm trí người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Hành trang Người mang theo là khát vọng cháy bỏng đó cộng với đôi bàn tay lao động. Hành trang ấy giúp Người trải qua nhiều nghề như rửa bát, làm vườn, đốt lò, xúc tuyết, rửa ảnh, làm báo và hòa mình cùng giới cần lao của nhiều dân tộc, màu da. Nhờ đó, Người hiểu sâu sắc nguyên nhân của mọi bất công. Người thấy rõ: Công nhân và những người lao động ở đâu cũng là bạn, bọn thực dân đế quốc ở đâu cũng là bọn bóc lột, là kẻ thù. Đây cũng là cơ sở thực tiễn hình thành nên quan điểm của Người về giới cần lao trên toàn thế giới, về bản chất của chủ nghĩa thực dân và tư tưởng đoàn kết quốc tế.
Từ việc ký tên Nguyễn Ái Quốc vào bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Versailles đến tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và tiếp cận Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lenin đã làm cho Văn Ba trở thành Nguyễn Ái Quốc. Người đến với Lenin như một cuộc “gặp gỡ lịch sử” giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính Việt Nam với học thuyết cách mạng và khoa học của thời đại. Từ thực tiễn học tập, nghiên cứu và tranh đấu cách mạng, Người đã khẳng định quan điểm cách mạng “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đến đây đã hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc.
2. Gần 15 năm sau, kể từ ngày ra đi, Người về gần Tổ quốc và tăng cường chăm lo trực tiếp cho sự nghiệp cách mạng nước nhà. Năm 1925, Người sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, dồn tâm trí mở nhiều lớp huấn luyện đào tạo cho cán bộ từ trong nước sang và tích cực truyền bá chủ nghĩa Marx - Lenin vào Việt Nam, chuẩn bị các điều kiện cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Và, ngày 3-2-1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam.
Từ đó, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một tất yếu lịch sử. Hơn tám mươi năm qua, được sự ủng hộ, che chở của nhân dân, Đảng ta đã thực hiện thắng lợi trách nhiệm lịch sử trước dân tộc. Biết bao đảng viên chân chính đã kiên cường hy sinh dũng cảm trước nhà tù, súng gươm, bom đạn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Biết bao đảng viên chân chính theo gương Bác, đau đáu lo cho dân được tự do, hạnh phúc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bác cảnh báo: “Nước độc lập, mà dân không có tự do, hạnh phúc thì độc lập ấy chẳng có ý nghĩa gì”.
Không chỉ Đảng ta mà cả nhân dân hôm nay còn đang trăn trở câu hỏi làm thế nào để không còn cán bộ, đảng viên xa rời mục tiêu của cách mạng. Một cuộc đời dấn thân vì nước, vì dân của Bác đâu phải để cán bộ, đảng viên nào đó hôm nay thành “quan cách mạng”, nói một đằng, làm một nẻo, vô cảm với dân, bè phái, tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Để xứng đáng với một đời dấn thân, một đời khát vọng của Bác, đảng viên hôm nay phải có trách nhiệm trả lời câu hỏi đó bằng thực tiễn phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ngày nay, ai cũng mong Đảng tăng cường kỷ luật, kỷ cương hơn nữa, kiên quyết loại bỏ những “quan cách mạng”, những phần tử làm mất uy tín của Đảng, của chế độ, để Đảng được trong sạch, vững mạnh hơn, gần Bác hơn, chế độ được vững bền hơn và ý Đảng lòng dân gắn kết son sắt hơn.
3. Bôn ba tranh đấu cho quyền làm người ở khắp xứ người, Bác vẫn thấu hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc. Tư tưởng về con đường cách mạng của Bác luôn dựa trên nền tảng văn hóa và lịch sử dân tộc. Người nhìn thấu sức mạnh của truyền thống yêu nước mà nhân dân Việt Nam hun đúc từ hàng nghìn năm lịch sử. Cái nhìn ấy đã loại bỏ được nguy cơ giáo điều, phi lịch sử. Tầm nhìn ấy đã sinh ra tư tưởng Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng, tháng 2-1930. Từ tầm nhìn ấy mà Mặt trậnViệt Minh ra đời (5-1941). Việt Minh là một tổ chức Mặt trận tập hợp sức mạnh dân tộc bằng đại đoàn kết toàn dân tộc chuẩn bị cho sự biến đổi mới tạo bước ngoặt to lớn trong lịch sử Việt Nam .
Sự hội tụ của toàn dân quanh Mặt trận Việt Minh để làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và chín năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, chứng minh một đường lối khôn ngoan, sáng suốt của Đảng do Bác lãnh đạo. Bài học ấy lại được tiếp tục vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) lại đang đứng trước cơ hội đóng góp mới là thể hiện vai trò tập hợp sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Song, nay MTTQ VN lại cũng rất cần Đảng đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo để MTTQ VN thực hiện hiệu quả, thiết thực vị trí vai trò.
4. Một cuộc dấn thân vì nghĩa lớn đã đưa tên tuổi Nguyễn Tất Thành, Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc thành Hồ Chí Minh. Danh xưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn liền với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và quá trình xây dựng chế độ mới ở Việt Nam. Tư tưởng và hành trang cách mạng của Người đã, đang đặt nền móng cho một thời đại mới ở Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ phong kiến ngàn năm trên đất nước ta; tạo ra một hình thái nhà nước mới - nhà nước dân chủ nhân dân, bắt đầu một thời đại mà người dân từ kiếp đời nô lệ của ngàn năm phong kiến, trăm năm thực dân đã hiên ngang bước lên vũ đài chính trị nước nhà, điều mà ngàn năm trước đó không có; mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn các cuộc đấu tranh chống xâm lược và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã khẳng định đó vừa là tư tưởng, ý chí, tình cảm, vừa là ngọn cờ của nhân dân Việt Nam trên con đường xây dựng, phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và đồng hành cùng nhân loại. Đó là những biến đổi mang tính cách mạng sâu sắc và là nền tảng tạo ra những bước phát triển mới hôm nay. Những biến đổi ấy mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh.
Đặt tên thời đại ở Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám là Thời đại Hồ Chí Minh, vừa là để khẳng định tư tưởng của Người thực sự đã và đang là ngọn đuốc soi đường cho đất nước phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vừa là để ghi ơn người con của dân tộc, vì “chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.
“Hồ Chủ tịch đã qua đời! Nhưng Người để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu. Đó là thời đại HỒ CHÍ MINH, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Thời đại Hồ Chí Minh còn rất dài và mãi mãi đồng hành cùng dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.