Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc “đại phẫu” vì trẻ thơ

Đình Hiệp| 11/04/2011 07:51

(HNM) - Chính phủ Trung Quốc tuần qua đã quyết định đóng cửa gần một nửa trong tổng số 1.176 công ty sữa trên toàn quốc do không bảo đảm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Biện pháp mạnh tay này đặt ngành công nghiệp sữa Trung Quốc vào một cuộc

Người tiêu dùng Trung Quốc không còn tin vào chất lượng sữa nội.


Nhiều bà mẹ đang cho con uống sữa bột ở Trung Quốc đến nay vẫn chưa thực sự hết hoang mang khi cảnh sát nước này vừa bắt giữ hai đối tượng tình nghi với gần 11 tấn sữa bột giả tại một xưởng sản xuất lậu ở TP Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh. Loại sữa bột giả này được làm từ tinh bột, đường mía, hương liệu, hóa chất dextri, dầu thực vật… Chỉ với 5 nhân dân tệ (khoảng 0,75 USD) để sản xuất một gói sữa bột giả, những kẻ hám lợi có thể đẩy giá bán tại chợ lên tới 200 nhân dân tệ/30 túi.

Đó chỉ là một trong hàng loạt vụ sản xuất sữa giả tại Trung Quốc bị đưa ra ánh sáng thời gian qua. Đây cũng là lý do vì sao Cơ quan thanh tra và kiểm soát vệ sinh thực phẩm Trung Quốc phải vào cuộc quyết liệt khi yêu cầu gần 50% công ty sản xuất sữa hộp và sữa bột trên toàn quốc (553 công ty) phải ngừng hoạt động. Điều đáng nói, là số lượng công ty bị xử phạt trong đợt kiểm tra này nhiều gấp đôi so với thẩm định trước đó của Hiệp Hội các nhà sản xuất sữa - chỉ khoảng 20% cơ sở phải đóng cửa.

Tuy nhiên, ngay sau khi quyết định đóng cửa hàng loạt công ty sữa được đưa ra, một vụ bê bối khác lại xảy ra ngày 8-4 khi 3 trẻ em tử vong, 35 em nhiễm bệnh do uống phải sữa nhiễm nitrite, một loại hóa chất dùng để ướp thịt, tại tỉnh Cam Túc.

Chắc hẳn những ai quan tâm đến thị trường sữa bột cho trẻ em chưa thể quên cơn chấn động hóa chất công nghiệp melamine kinh hoàng năm 2008 khi nhà chức trách Trung Quốc phát hiện 22 công ty sản xuất sữa vì hám lợi đã cho melamine vào để tăng tỷ lệ đạm một cách giả tạo. Điều đó đã khiến ít nhất 6 trẻ ở Trung Quốc thiệt mạng, hơn 300.000 trẻ khác gặp vấn đề về thận. Trong chiến dịch truy quét hai tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã thu giữ được tới 25.000 tấn sữa nhiễm melamine. Song với tình trạng buôn lậu tinh vi như hiện nay, không ai dám chắc những gói sữa nhiễm melamine này có bị lén lút tuồn vào thị trường hay không.

Thiệt hại lớn nhất mà các công ty sữa trong nước phải trả giá sau vụ sữa nhiễm melamine năm 2008 là sự mất niềm tin ở người tiêu dùng. Số liệu khảo sát mới đây của Tờ Chinadaily cho biết, khoảng 70% người dân Bắc Kinh ngại mua các sản phẩm sữa bột cho trẻ em sản xuất trong nước vì lo ngại mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Bất chấp các báo cáo xét nghiệm chính thức đã được các cơ quan hữu quan công bố, trong đó khẳng định không có sự khác biệt nào đáng kể giữa hàng nội và hàng ngoại, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn thấy yên tâm hơn với các sản phẩm sữa nhập khẩu.

Để xây dựng lòng tin trong dân chúng sau một loạt bê bối trên, kế hoạch hành động thường niên lần thứ ba vừa được Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc công bố cho thấy, các sản phẩm bơ sữa, dầu ăn, thực phẩm tăng cường sức khỏe… đều sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Với giải pháp mạnh này, Chính phủ Trung Quốc hy vọng sẽ từng bước nâng cao chất lượng thực phẩm, trong đó có sữa bột và xóa sổ các nhà sản xuất không đủ tiêu chuẩn chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc “đại phẫu” vì trẻ thơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.