Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chuyển dịch lịch sử

Vân Khanh| 07/03/2013 07:16

(HNM) - Đó là tên được các nhà phân tích toàn cầu vừa xướng lên để chỉ sự kiện Trung Quốc vượt Mỹ trở thành quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.


Công nghệ khai thác dầu đá phiến đã tạo sự bùng nổ về sản lượng dầu mỏ của nước Mỹ.


Cách đây không lâu, một báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (EIA) đã đưa ra "phác đồ" gây ngạc nhiên. Theo đó, trong một thập kỷ tới, từ một quốc gia phụ thuộc khá nhiều vào các nguồn năng lượng bên ngoài, Mỹ không những có thể tự túc nhiên liệu - bằng nguồn tài nguyên để dành như một chiến lược dài hạn - cho nhu cầu nội địa vào năm 2017 mà còn có thể soán ngôi quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới của Saudi Arabia vào năm 2020. Thậm chí, việc Mỹ có thể điều chế được khí tự nhiên và "vượt mặt" cường quốc trong lĩnh vực này là Nga còn đến nhanh hơn, vào năm 2015.

Như vậy, cuộc đổi ngôi không thể tin nổi bắt đầu từ cuối thế kỷ XX đang diễn ra và hiện thực này sẽ càng củng cố trong tương lai gần. Suốt hơn 5 thập kỷ qua, nước Mỹ luôn trong "cơn khát dầu" và phải dựa vào nguồn cung chủ yếu từ những bạn hàng Trung Đông. Vậy, phép lạ nào đã khiến nước Mỹ thực hiện được điều thần kỳ mà rất nhiều đời tổng thống Mỹ đã xem đó như một thách thức lớn?

Thế nhưng, cuộc chuyển đổi đang diễn ra không phải đến từ một phép thần mà khởi nguồn từ những nỗ lực trong sáng tạo công nghệ khai thác mà các nhà khoa học Mỹ đã âm thầm nghiên cứu và áp dụng thời gian qua. "Bí kíp" lớn nhất chính là nằm ở công nghệ mới cho phép chiết xuất dầu từ đá phiến mà trước đây không thể thực hiện. Bằng công nghệ khai thác không quốc gia nào sánh kịp, đến nay các kho dầu của Mỹ hiện đã đầy những thùng nhiên liệu hóa thạch được lấy từ những nơi khó khăn nhất, đưa sản lượng dầu thô của Mỹ lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua, tăng khoảng 40% so với năm 2008. Vậy là, không chờ đến 10 năm nữa, lượng dầu mà nước Mỹ nhập khẩu được dự báo giảm dần đáng kể theo từng năm. Dự kiến, cường quốc số 1 thế giới sẽ sản xuất 7,3 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay, tăng so với mức 6,4 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2012.

Dường như mục tiêu để nước Mỹ hoàn toàn độc lập về năng lượng được Tổng thống Barack Obama xác định là một ưu tiên sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai đang dần trở thành hiện thực. Cuộc đổi ngôi ngoạn mục đó không chỉ có ý nghĩa với nước Mỹ mà quan trọng hơn là đặt viên gạch đầu tiên cho một bản đồ năng lượng mới trên thế giới và kéo theo đó là sự thay đổi địa - chính trị chưa từng diễn ra trên toàn cầu. Sự kiện hai Tổng thống Mỹ Bush cha và Bush con phải đổ quân để thực hiện hai chiến dịch quân sự đầy mạo hiểm tại Iraq vào năm 1991 và 2003 không gì khác nhằm bảo vệ tuyến dầu mỏ huyết mạch cho nước Mỹ là những câu chuyện chưa xa. Các chính sách đối ngoại phục vụ chiến lược Trung Đông của Washington là rõ ràng trong nhiều thập kỷ trên cơ sở bảo vệ lợi ích Mỹ và dầu mỏ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Với 20% số dầu tiêu thụ được nước Mỹ nhập khẩu, nếu không có "hậu phương" vững chắc là "rốn dầu" Trung Đông, chắc chắn nền công nghiệp hàng đầu thế giới sẽ gặp không ít khó khăn. Do đó, cuộc đổi ngôi vừa manh nha cũng đồng nghĩa với cuộc chơi năng lượng và chính trị ở Trung Đông cũng như trên quy mô toàn cầu nhiều khả năng sẽ thay đổi. Từ một người khổng lồ kinh tế nhưng ít nhiều thụ động về nhiên liệu, nước Mỹ sẽ khẳng định tầm ảnh hưởng và vị trí mới một cách toàn diện hơn.

Cũng từ sự thay đổi bước ngoặt ở xứ Cờ hoa, nguồn dầu mỏ thế giới sẽ được "nắn dòng" và có tới 90% lượng dầu của Trung Đông được dự báo sẽ chảy về Châu Á, nơi những quốc gia đang phát triển nhanh chóng rất cần dầu mỏ để cất cánh cho nền kinh tế. Nếu vậy, đây thực sự là khởi đầu mới của một quá trình chuyển đổi toàn cầu. Điều đó buộc các quốc gia Châu Á phải can dự lớn hơn vào các vấn đề Trung Đông và quốc tế để bảo đảm lợi ích cho chính mình. Một trật tự thế giới mới vì thế sẽ được định hình và một bàn cờ chính trị nhiều khác biệt đã và đang chờ đợi "người chơi".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chuyển dịch lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.