Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chơi không dễ dàng

Minh An| 22/05/2022 05:11

(HNMCT) - Khi SEA Games 31 đã qua hơn nửa chặng đường, có thể tin rằng hành trình đến ngôi vô địch SEA Games không bao giờ dễ dàng. Giờ đây, cuộc cạnh tranh ngày càng gắt gao, nhưng cũng vì thế mà càng tôn thêm giá trị của tấm huy chương ở sân chơi vốn bị xem là “ao làng” này.

Đội tuyển nữ nội dung biểu diễn, môn pencak silat, giành chức vô địch SEA Games 31. Ảnh: Quý Lượng

Nhọc nhằn cuộc đua đến ngôi vô địch

Ngay trước SEA Games 31, nước chủ nhà Việt Nam đã truyền đi thông điệp rõ ràng về việc đưa SEA Games 31 thành một sân chơi công bằng, cạnh tranh sòng phẳng, rõ tinh thần fair play (chơi đẹp), tạo sự liên thông tối đa với ASIAD, Olympic. Không có ưu đãi gì cho đoàn chủ nhà ngoài lợi thế khán giả, sân bãi quen thuộc. Vận động viên (VĐV) Việt Nam phải chiến thắng đối thủ bằng thực lực chứ không phải nhờ yếu tố khách quan.

Ở môn pencak silat, được thi đấu trên sân nhà nhưng các võ sĩ nội dung biểu diễn chỉ có thể giành được 1 Huy chương Vàng (HCV) trong 6 nội dung thi đấu. Bình thường, người ta suy đoán, với “vai vế” chủ nhà lại ở môn thi đấu vẫn phụ thuộc vào nhận định cảm tính của trọng tài, chủ nhà Việt Nam hoàn toàn có thể giành ít nhất 2 HCV. Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Không có sự ưu ái nào và VĐV chủ nhà phải đợi đến ngày thi đấu cuối thì mới hoàn thành chỉ tiêu giành 1 HCV.

Trong khi đó, ở môn kickboxing, phải đến khi kết thúc trận chung kết cuối cùng thì lãnh đội kickboxing Việt Nam Vũ Đức Thịnh mới thở phào như chia sẻ sau đó. Theo ông Vũ Đức Thịnh, chất lượng VĐV các đoàn tham dự SEA Games 31 tốt hơn hẳn so với SEA Games 30, khi môn thể thao này lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu. Giành 5 HCV, vượt chỉ tiêu 1 HCV nhưng chính những huấn luyện viên tại đội kickboxing Việt Nam cũng thừa nhận là những trận đấu tại SEA Games 31 thực sự nhọc nhằn. Nếu không có sự cổ vũ cuồng nhiệt từ các khán đài Nhà thi đấu Bắc Ninh thì chưa chắc các võ sĩ Việt Nam đã vượt qua đối thủ trong cả 5 trận chung kết.

Khi sự cạnh tranh trở nên gắt gao, không ít mục tiêu HCV của Đoàn Thể thao Việt Nam đã không thành hiện thực. Ở nội dung đối kháng pencak silat, nhà vô địch ASIAD năm 2018 Nguyễn Văn Trí đã bị loại ngay từ vòng tứ kết. Ở môn bóng bàn, khi đội nam Việt Nam chỉ tính đến Thái Lan, Singapore trong cuộc đua đến ngôi vô địch đồng đội nam thì họ lại bất ngờ dừng bước trước Malaysia ở bán kết. Hay ở môn điền kinh, nơi đội tiếp sức hỗn hợp 4x400m tưởng như vô đối thì cuối cùng lại “mất” tấm HCV ngay ở vạch đích...

Võ sĩ Nguyễn Quang Huy trên bục nhận HCV hạng 60kg nam môn kickboxing ở SEA Games 31.

Xu thế tất yếu

SEA Games 31 chưa kết thúc nhưng từ diễn biến đã qua, các nhà quản lý cũng phần nào hình dung được những khó khăn trong thời gian tới của thể thao Việt Nam.

Phó Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) Hoàng Quốc Vinh nhận định, giờ đây, các nước trong khu vực đều đầu tư mạnh mẽ về lực lượng, đặc biệt là ở những môn thi đấu trong chương trình ASIAD hay Olympic. Đó là sự chuyển động tất yếu của thể thao khu vực Đông Nam Á, góp phần nâng tầm sân chơi SEA Games. Chẳng hạn, khi môn kickboxing có cơ hội xuất hiện tại ASIAD năm 2022 (đã chuyển sang năm 2023), lập tức Thái Lan đưa hàng loạt VĐV môn muay sang tập luyện kickboxing và trở thành đối trọng của Việt Nam trong cuộc đua đến ngôi vô địch. Campuchia có một số VĐV vật nhập tịch gốc Iran - một trong số ít quốc gia mạnh nhất thế giới về vật cổ điển ở những hạng cân nặng. Pencak silat cũng có sự chuyển động, rõ nhất là về luật thi đấu, đòi hỏi VĐV các nước phải sớm thích nghi và có giáo án tập luyện phù hợp nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn vật Việt Nam Đới Đăng Hỷ đánh giá, xu hướng đầu tư lực lượng ở Đông Nam Á, trong đó có việc nhập tịch VĐV, ngày càng phổ biến, nên vật Việt Nam sẽ không còn cảnh “một mình một chợ” trong những kỳ SEA Games tới.

Thực tế, công tác điều hành, tổ chức bảo đảm khách quan, công bằng tại SEA Games 31 đã mang đến cơ hội để các nhà quản lý đánh giá chính xác về sự phát triển của thể thao khu vực, nhất là sau khi tất cả hoạt động hầu như ngưng trệ do dịch Covid-19.

Việc phải thích nghi và điều chỉnh cách đầu tư, huấn luyện để giữ được vị thế ở sân chơi SEA Games, đồng thời tạo sự liên thông với các sân chơi ASIAD, Olympic là điều được ông Hoàng Quốc Vinh, Đới Đăng Hỷ đề cập. Trong đó, việc tạo điều kiện để VĐV thi đấu, tập huấn quốc tế liên tục là điều tối quan trọng để thể thao Việt Nam tiếp tục giữ vị thế hàng đầu ở các kỳ SEA Games tới. Tất cả phải luôn ở trạng thái chuyển động liên tục khi cuộc chơi ở SEA Games ngày càng khó khăn, sự cạnh tranh ngày càng tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chơi không dễ dàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.