(HNM) - Đường lậu đang tràn qua biên giới, chiếm lĩnh thị trường trong nước với giá rẻ khiến đường trong nước sống dở, chết dở, lượng đường tồn kho vẫn còn lớn, trong khi vụ mía đang bước vào thu hoạch, dự báo sản lượng đường có thể tăng hơn so với niên vụ trước.
Nhiều DN sản xuất đường trong nước đang gặp khó khăn. Ảnh: Phương Vy – TTXVN
Ta tự làm khó ta
Theo Bộ NN&PTNT, lượng đường tồn kho tính đến cuối tháng 4-2011 khoảng hơn 500.000 tấn. Dự kiến, vụ mía 2010-2011 sẽ kết thúc vào cuối tháng 5-2011, sản lượng ước đạt 1,1 triệu tấn. Đây được coi là vụ mía đường thành công. Tuy nhiên, không ít DN và người trồng mía phải lao đao khi giá đường trong nước liên tục giảm, đường tồn trong kho còn lớn, đường lậu với giá rẻ tràn lan trên thị trường. Bên cạnh đó, dường như ta đang làm khó ta khi Bộ Công thương cho phép nhập đường đúng lúc mía đang bước vào thu hoạch đã đẩy ngành mía "dở khóc". Hiện giá đường thế giới còn khoảng 593 USD một tấn, tương đương 12 triệu đồng. Nếu nhập chính ngạch, cộng cả chi phí vận chuyển, thuế... thì về tới Việt Nam cũng chỉ ở mức 14.000-15.000 đồng/kg. Trong khi đó giá đường tại các nhà máy trong nước bán ra hiện nay vẫn ở mức cao, dao động từ 17.000-17.500 đồng/kg. Giá bán lẻ đường trên thị trường đã lên tới 22.000-23.000 đồng/kg. Nếu giảm giá đường các DN sẽ không có lãi. Hiệp hội Mía đường cho biết, trong khi các mặt hàng đều tăng giá thì giá đường có xu hướng giảm. Nhiều khả năng giá bán đường có thể giảm thêm do DN đang cần vốn để vào vụ sản xuất mới. Theo tính toán của Hiệp hội Mía đường, trong tháng 4, các DN cần khoảng 1.000 tỷ đồng để thu mua mía nguyên liệu, nhưng hiện rất khó vay ngân hàng.
… Rồi “lậu” đè nén
Theo ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường, nhiều năm qua nguồn đường ăn nhập lậu cung cấp cho thị trường trong nước đã lên đến 200.000 tấn/năm. Số lượng đường nhập lậu này tăng dần do nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng lên mỗi năm trong khi sản lượng đường sản xuất trong nước 10 năm qua chỉ dừng lại ở ngưỡng 1 triệu tấn/năm. Đáng lưu ý, tình trạng nhập lậu đường tràn lan, hết sức tinh vi đang diễn ra tại các vùng biên giới. Nếu trước kia buôn lậu đường chủ yếu bằng sức người mang vác băng đồng thì nay mỗi ngày có từ vài chục đến hàng trăm tấn và việc chuyển đường lậu vào Việt Nam đã công khai bằng ghe tải loại lớn. Lượng đường này vào Việt Nam nhanh chóng được "phát tán" đến các tỉnh trong cả nước. Hiệp hội Mía đường và các nhà máy đã rất nhiều lần phản ánh, làm việc với địa phương, các cơ quan chống buôn lậu, gian lận thương mại… Dù vậy, "nước xa không cứu được lửa gần", tình hình buôn lậu đường chẳng những chưa được kiểm soát mà còn gia tăng về số lượng, công khai về phương thức. Ông Nguyễn Hải cho biết, tại An Giang, hàng chục ghe nối đuôi nhau chở đường nhập lậu. Vì không ai kiểm soát nên đối tượng buôn lậu còn sử dụng cả bao bì của đường sản xuất trong nước để đóng gói đường lậu đem đi tiêu thụ. Nguồn cung cấp đường nhập lậu qua biên giới Campuchia và các tỉnh miền Tây Nam bộ chủ yếu là đường của Thái Lan và lúc cao điểm, lượng đường nhập lậu có khi lên đến 700-1.000 tấn/ngày.
Thiếu một cơ chế sát thực
Theo GS Võ Tòng Xuân, sự tăng giảm thất thường của giá đường một phần do chính sách quản lý còn non kém, thiếu quy hoạch đối với mặt hàng được xem là nhu yếu phẩm này. Hiện nay, trong nước không có cơ quan điều phối đường nên không biết nhu cầu, tình hình sản xuất, giá đường thực tế để có cơ sở định giá trong nước. Theo quy hoạch, đến năm 2020 diện tích mía của cả nước sẽ đạt 300.000ha, sản lượng đường trong nước sản xuất được là 2 triệu tấn/năm. Nếu đạt được kết quả đó, sản lượng này sẽ cơ bản đáp ứng yêu cầu trong nước và bắt đầu có dư để xuất khẩu. Tuy nhiên, các biện pháp nhằm thực hiện định hướng trên chưa rõ ràng, sản lượng đường sản xuất trong nước vẫn chỉ dừng lại ở ngưỡng 1 triệu tấn đường từ năm 2000 đến nay. Ngành mía đường vẫn chưa hấp dẫn nông dân tăng diện tích trồng mía trong khi người trồng mía mới thực sự là người quyết định tăng trưởng sản lượng đường sản xuất trong nước.
Để thu hút được nông dân trồng mía, theo GS Xuân, Chính phủ cần có những chính sách kiểm soát giá đường, tạo nguồn vốn ưu đãi cho các nhà máy đường sản xuất và thu mua mía của nông dân. Giá đường sẽ quyết định giá mía và đời sống nông dân trồng mía, từ đó quyết định sản lượng đường sản xuất hằng năm và dài hạn. Cả nước hiện nay có khoảng 250.000ha trồng mía, thấp hơn 50.000ha so với quy hoạch. Nếu giá đường liên tục giảm, người trồng mía không có lãi thì việc diện tích mía giảm dần ở những năm sau là điều khó tránh khỏi. Để tháo gỡ được khó khăn trên, Chính phủ cần có chính sách bảo hộ người trồng mía bằng cách thực hiện các chính sách nhằm giữ giá đường tiêu dùng (bán lẻ) ở mức tương đương 1 USD/kg hay 1kg. Đồng thời các công ty, nhà máy đường phải tích cực làm tốt công tác khuyến nông, giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác, nâng cao chất lượng giống mía, tăng thu nhập cho nông dân. Phát triển ngành mía đường phải dựa vào sản lượng đường sản xuất hằng năm do nông dân quyết định. Chính sách của Chính phủ cộng với phương thức thu mua của các nhà máy đường sẽ là cơ sở để người dân quyết định trồng mía hay không, tích cực sản xuất mía hay làm miễn cưỡng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.