Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cuộc chiến” vẫn còn gian nan

Minh Ngọc| 28/08/2013 06:41

(HNM) - Trước tình trạng biển hiệu, biển quảng cáo ngoài trời còn lộn xộn, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, Hà Nội đã, đang và sẽ tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động này. Tuy vậy, việc đưa hoạt động quảng cáo, tuyên truyền ngoài trời đi vào nền nếp vẫn gặp không ít khó khăn.

Còn nhiều vi phạm

Không khó để nhận ra hầu hết các tuyến đường trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay không còn băng rôn tuyên truyền, quảng cáo chăng ngang đường, thay vào đó là những băng rôn treo dọc trên các cột đèn chiếu sáng. Quảng cáo rao vặt có địa điểm riêng. Hệ thống biển hiệu trên một số tuyến phố ở quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Long Biên… có kích thước tương đối bằng nhau, tạo cảnh quan đẹp cho không gian đô thị. Song cũng không khó để nhận ra tình trạng "loạn" biển hiệu vẫn còn tồn tại ở nhiều tuyến phố chính, thậm chí nhập nhèm giữa biển hiệu và biển quảng cáo, bởi theo quy định, biển hiệu chỉ được ghi tên cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa chỉ, điện thoại, tên cơ quan chủ quản trực tiếp chứ không được quảng cáo sản phẩm. Đáng nói hơn, một số cơ sở kinh doanh lợi dụng việc lắp dựng biển quảng cáo tấm nhỏ không phải xin phép đã tự dựng biển vượt quá kích thước quy định, có nơi che kín mặt tiền nhà, hông nhà hoặc gắn biển quảng cáo trên nóc nhà, tường nhà. Vi phạm nhiều nhất đối với loại hình quảng cáo này là các cửa hàng kinh doanh dịch vụ áo cưới, mỹ phẩm, ô tô, xe máy, y tế…



Biển quảng cáo tấm lớn đã được thành phố quy hoạch từ lâu, song Hà Nội vẫn còn không ít điểm vi phạm. Theo kết quả thanh, kiểm tra của Sở VH,TT&DL Hà Nội, tính đến ngày 8-8, quận Ba Đình còn 4 biển quảng cáo tấm lớn không phép, trong đó có biển trong bãi đỗ xe Ngọc Khánh thuộc quản lý của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội tồn tại từ năm 2007 đến nay chưa được giải quyết, dù Sở VH,TT&DL đã nhiều lần đề nghị xử lý. Khuôn viên khách sạn Kim Liên (quận Đống Đa) mới "mọc" 1 biển trong năm 2013. Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ còn 4 biển vi phạm nhiều năm ở điểm 78B, 79B, 80B và điểm gần cầu vượt Cầu Giẽ - Ninh Bình, 2 biển mới phát sinh năm 2012. Tuyến đường đại lộ Thăng Long còn 2 biển thuộc địa bàn xã An Khánh (Hoài Đức), 8 biển thuộc địa phận huyện Quốc Oai, 1 biển thuộc huyện Thạch Thất. Tuyến Thăng Long - Nội Bài cũng còn một số biển vi phạm thuộc địa bàn huyện Đông Anh, Sóc Sơn… Thanh tra Sở VH,TT&DL đã bàn giao tình trạng này cho các quận, huyện, thị xã và yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý.

Như vậy, dù đã có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành từ thành phố tới cơ sở, nhưng do hoạt động quảng cáo ngoài trời rất phức tạp nên "cuộc chiến" vẫn còn gian nan.

Quyết liệt chấn chỉnh

Lý giải cho sự tồn tại này, bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH,TT&DL Hà Nội) cho biết: Hà Nội là thành phố lớn, đông dân, tất cả các tuyến phố, ngõ ngách đều có cửa hàng kinh doanh, mà ở đâu có cửa hàng, có người bán hàng thì ở đó có biển hiệu. Số cửa hàng cho thuê chiếm tỷ lệ không nhỏ, nay chủ này, thời gian sau có thể là chủ khác, nên việc tuyên truyền, vận động, ký cam kết không vi phạm đôi khi gặp khó. Mặt khác, biển hiệu không nằm trong khung điều chỉnh của các quy định về quảng cáo trước đây, Luật Quảng cáo điều chỉnh hoạt động này mới có hiệu lực từ năm 2013 nên cần phải có thời gian, lộ trình thực hiện. Để khắc phục, trước mắt, Sở VH,TT&DL sẽ từng bước tháo dỡ, chấn chỉnh biển hiệu kích thước lớn, biển có 100% chữ nước ngoài hoặc có nội dung phản cảm. Biển hiệu chưa đúng quy định nhưng kích cỡ nhỏ sẽ được khắc phục dần bằng cách tuyên truyền cho người dân tự giác điều chỉnh. Dự kiến, Sở sẽ tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm tổ chức biển hiệu vào trung tuần tháng 9 tới nhằm tìm ra mô hình phù hợp.

Cũng theo bà Vũ Thùy Anh, hệ thống cột treo băng rôn đã được thành phố quy hoạch từ năm 2002 với 165 vị trí, nay được điều chỉnh tăng lên 250 vị trí, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyên truyền, quảng cáo ngày một tăng. Dành "đất" cho hoạt động tuyên truyền trực quan này, Sở VH,TT&DL Hà Nội sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã khảo sát thực tế, sau đó đề xuất một số tuyến đường dành riêng để tuyên truyền nhiệm vụ chính trị. Việc treo băng rôn tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị sẽ do Trung tâm triển lãm thành phố thực hiện. Các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị TƯ đóng trên địa bàn thành phố có hoạt động tuyên truyền cho các sự kiện chính trị cũng sẽ được Hà Nội tạo điều kiện tuyên truyền ở khu vực đã được quy hoạch. Ngoài ra, Hà Nội sẽ quy hoạch khu vực tuyên truyền các chính sách an sinh xã hội có nội dung quảng cáo. Băng rôn quảng cáo cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật có thể được bố trí ở những vị trí hợp lý trong khu vực tuyên truyền chính sách an sinh xã hội. Các điểm quy hoạch được duyệt sẽ không cho quảng cáo các sản phẩm hàng hóa. "Đối với hệ thống biển quảng cáo tấm nhỏ, tấm lớn, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát, xử lý những biển trái phép, sai phép, sai nội dung. Tuy nhiên, việc quản lý biển quảng cáo tấm nhỏ, tấm lớn liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương nên rất cần có sự phối hợp đồng bộ" - bà Vũ Thùy Anh kiến nghị.

Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước quyết liệt chấn chỉnh hoạt động quảng cáo ngoài trời. Dù còn một số tồn tại, vướng mắc, nhưng với quyết tâm như trên, hy vọng phố phường Hà Nội sẽ ngày càng khang trang, sạch đẹp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Cuộc chiến” vẫn còn gian nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.