Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chiến “sống còn” của các doanh nghiệp BĐS

L.H| 30/12/2011 10:05

(HNMO) - Năm 2012 sẽ cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, thậm chí là một “cuộc chiến” sống còn. Sức ép tín dụng có thể gây xáo trộn xã hội rất lớn. Trong đó, nếu doanh nghiệp phá sản thì số tiền của người dân đã đặt cọc là rất khó lấy ra, thiệt hại lớn.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất lành đã có cuộc trao đổi với báo giới.

* Ông nhận định thế nào về thị trường BĐS năm 2012?

Năm 2012 chắc chắn sẽ khó khăn hơn năm trước do tình hình kinh tế còn nhiều trở ngại và một số sản phẩm không phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhu cầu của người dân là căn hộ dưới 1 tỷ đồng nhưng thị trường thì có quá nhiều căn hộ 2 - 3 tỷ đồng.

Do vậy chúng ta sẽ rơi vào khủng hoảng vừa thừa, vừa thiếu. Thiếu những căn hộ dưới 1 tỷ đồng và thừa những căn hộ giá cao. Nếu Bộ Xây dựng không nhanh chóng ban hành những quy định tạo điều kiện cho doanh nghiệp được xây dựng những căn hộ nhỏ (30-50m2) có giá cả phù hợp với nhu cầu thì sắp tới các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp địa ốc của thành phố Hồ Chí Minh đã phải bán dự án, thậm chí bán cả doanh nghiệp cho ngân hàng hay công ty nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp sẽ bị bốc hơi, không còn tồn tại.

* Liệu những khó khăn của các doanh nghiệp do chính sách thắt chặt tín dụng có ảnh hưởng gì đến các khách hàng, đặc biệt là đối với những trường hợp đang mua nhà theo tiến độ dự án?

* Tôi đang lo một kịch bản hết sức nguy hiểm. Chẳng hạn một doanh nghiệp có số vốn là 200 tỷ đồng, họ vay ngân hàng 300 tỷ đồng và thu của khách hàng 200 tỷ đồng. Như vậy với tổng vốn là 700 tỷ đồng, doanh nghiệp đã xây dựng gần hoàn thiện công trình nhưng không thể vay thêm tiền của ngân hàng để xây dựng tiếp, trong khi đó người dân cũng không đóng thêm tiền.

Như vậy nghĩa là một khối bê tông 700 tỷ đồng này không có giá trị sử dụng. Trong trường hợp ngân hàng siết nợ định giá khối bê tông chỉ là 300 tỷ đồng thì số tài sản đó vừa đủ để trả ngân hàng. Như vậy, doanh nghiệp không thể có tiền để trả lại cho khách hàng, đấy là chưa nói đến số vốn 200 tỷ đồng mất là đương nhiên.

Như vậy, trong trường hợp này, nếu xử lý không tốt sẽ xảy ra xáo trộn xã hội rất lớn. Doanh nghiệp phá sản thì số tiền của người dân đã đặt cọc là rất khó lấy ra, thiệt hại rất lớn.


Khu Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội. Ảnh minh họa.


* Thị trường đang thiếu những sản phẩm đáp ứng được khả năng chi trả của người dân. Vậy giá bán căn hộ có thể hạ xuống khi giá nguyên vật liệu tăng, nhân công tăng, giá đền bù đất phải theo sát giá thị trường?

* Tôi nghĩ trong năm 2011, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận lỗ, chỉ lỗ nhiều hay ít mà thôi. Hiện nay, toàn bộ các doanh nghiệp phải đi vào chiến lược giá thành thông qua việc cung cấp căn hộ diện tích nhỏ, tính toán chi li từ thiết kế, thi công, tiết kiệm, tránh lãng phí, để giảm giá thành.

Năm 2012 sẽ là năm cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, thậm chí là một “cuộc chiến” sống còn. Doanh nghiệp nào khôn ngoan, đủ bản lĩnh, năng lực thì có thể sống được; còn doanh nghiệp nào yếu kém về năng lực tài chính, về nhân lực, khoa học kỹ thuật… có thể không tồn tại.

* Không có lãi, doanh nghiệp còn muốn làm hay cố tìm cách thu tiền về?

* Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp như người dân chịu cơn bão, sau cơn bão ai cũng bị thiệt hại, người thiệt hại ít, người thiệt hại nhiều, người tồn tại, người không tồn tại.

Tôi bảo đảm không có ai có thể thủ lợi sau cơn bão. Một doanh nghiệp có 1.000 tỷ đồng, sau cơn bão có thể chỉ còn lại 500 tỷ đồng. Với 500 tỷ đồng vẫn có thể tồn tại, hoạt động được.

Nhưng nếu như doanh nghiệp điều hành không tốt có thể mất hết, trắng tay là chuyện thường của kinh doanh. Điều quan trọng là còn lại một số vốn, quan trọng hơn hết là còn con người để sau cơn bão gây dựng lại, làm tốt hơn.

* Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến “sống còn” của các doanh nghiệp BĐS

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.