Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chiến "soi lá tìm sâu"

Tuấn Lương| 22/06/2015 06:21

(HNM) - Quy trình đúng, giám sát nghiêm ngặt nhưng vẫn xảy ra mất hành lý nên bản thân chúng tôi cũng rất bức xúc, nhiều lúc cảm thấy xấu hổ.

Hành lý mà biết nói năng!

Chuyện hành lý bị thất lạc, mất cắp, va li bị cắt khóa không phải bây giờ mới diễn ra nhưng đặc biệt nóng lên trong thời gian gần đây. Vụ việc mới nhất xảy ra ngày 23-5 khi có tới 3 hành khách đi trên chuyến bay VJ902 của Vietjet từ Bangkok (Thái Lan) về Nội Bài (Hà Nội) tố va li có dấu hiệu bị phá khóa, moi đồ. Trong đó, một hành khách có 1 va li ký gửi 20kg nhưng khi nhận tại Nội Bài, va li bị bung khóa, khách khai bị mất nhiều đồ có giá trị. Một hành khách gửi 2 va li 20kg, khi nhận thì một trong số đó bị bung khóa và được cuốn lại bằng băng dính, khách khai mất đồ bên trong. Trong khi đó, một hành khách khác gửi 4 kiện hành lý ký gửi 20kg, về đến Nội Bài có 1 va li bị bung khóa, khách khai mất nhiều đồ.

Quy trình kiểm tra, giám sát hành lý tại các sân bay được thực hiện nghiêm ngặt nhưng vẫn xảy ra mất cắp.


Hiện tượng mất cắp hành lý xảy ra với nhiều chuyến bay của tất cả các hãng hàng không chứ không phải chỉ riêng với Vietjet. Như thông lệ, ngay sau khi có trình báo hoặc phản ánh của hành khách, các đơn vị liên quan đã lập biên bản, tổ chức trích xuất thông tin từ dữ liệu camera an ninh. Tuy nhiên, dữ liệu camera cho thấy không có gì bất thường nên theo quy định, khách chỉ được hãng vận chuyển đền bù ở mức 8 USD/kg đối với chuyến bay quốc nội hoặc 20 USD/kg với chuyến bay quốc tế. Đền bù không thỏa đáng, lại không bắt được thủ phạm khiến hành khách mất đồ rất bức xúc.

Đấy là mất đồ thật, nhưng các sân bay lớn của Việt Nam đều đã gặp không ít trường hợp không biết nên buồn hay vui. Như ở sân bay Tân Sơn Nhất cách đây vài tháng, khi một hành khách từ Mỹ về, lúc nhận hành lý thấy va li bị phá khóa liền đứng giữa sảnh lớn tiếng: "Đi khắp thế giới không sao, về đến quê mình thì bị ăn cắp". Lực lượng chức năng mời khách vào phòng làm việc, lập biên bản vụ việc và xử lý các bước tiếp theo quy định. Hành lý khi cân lại vẫn bằng với lúc ở Mỹ, đồ còn nguyên nhưng trong va li có tờ giấy của an ninh Mỹ ghi nội dung đại ý là do có nghi ngờ nên đã kiểm tra không cần có sự chứng kiến của hành khách (luật pháp của Mỹ và một số nước khác cho phép làm điều này - PV). Hành khách xấu hổ và xin lỗi. Ông Nguyễn Đức Tiến - Phó Giám đốc Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm an ninh hàng không cho biết, gặp những trường hợp như thế anh em cay đắng lắm. Người ta nói giữa trăm người nhưng khi xin lỗi thì lại chỉ với mình. Chúng tôi chỉ mong khách hiểu và tuân thủ đúng các quy định của nhà vận chuyển trước khi bay.

Nhưng nói gì thì nói, số vụ mất cắp hành lý ở Việt Nam vẫn đang ở mức cao. Theo ghi nhận của Cục HKVN, năm 2013 có tới 205 khiếu nại liên quan đến việc bị trộm cắp tài sản, trong đó có 141 vụ liên quan đến các chuyến bay quốc tế. Năm 2014 là 301 vụ và chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015 là 168 vụ. Hầu hết các vụ việc này đều đã không tìm ra nguyên nhân. "Một mất mười ngờ", tiếng xấu đồn xa khiến không ít người lo ngại mình sẽ là nạn nhân tiếp theo. Giá như hành lý mà biết nói năng…

"Hổng" ở khâu nào?

Hành lý thì chẳng biết nói năng, tội phạm không dễ bị phát hiện nên nỗi nhức nhối cứ thế gia tăng. Như chính nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận - Cục trưởng Cục An ninh Kinh tế tổng hợp (Bộ Công an): "Tại sao ngành công an, nội bộ ngành hàng không bàn rất nhiều, triển khai rất nhiều nhưng các vụ mất cắp hành lý vẫn xảy ra, thậm chí còn tăng lên? Các vụ việc xảy ra ở nhiều địa điểm, ở cả chuyến bay trong nước, quốc tế thậm chí cả các chuyến bay chuyên cơ. Rõ ràng có dấu hiệu tiếp tay trong nội bộ".

Vừa qua, Cục HKVN đã mở đợt cao điểm tổng kiểm tra tình trạng an ninh, an toàn, mất cắp hành lý tại các cảng hàng không, sân bay. Trực tiếp đi theo đoàn trong những ngày vừa qua mới thấy công việc này vô cùng phức tạp. Đại diện các sân bay, các đơn vị an ninh, phục vụ mặt đất đều khẳng định đã triển khai đúng các quy trình, khâu tuyển dụng và thanh lọc nhân sự bảo đảm, hệ thống camera giám sát được tăng cường… Tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, hệ thống camera an ninh dày đặc ở mọi cấp độ. Đứng trong "tổng hành dinh" giám sát của mỗi sân bay, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy hoạt động của tất cả các nhân viên liên quan đến hoạt động bốc xếp, vận chuyển hành lý qua các màn hình lớn (khi cần thiết có thể zoom cỡ lớn). Các nhân viên sau khi kết thúc quy trình bốc xếp phải chịu sự kiểm tra trực quan từ nhân viên an ninh, sau đó mới được bước qua cửa từ để ra ngoài. Ngoài các quy trình tương tự, tại sân bay Đà Nẵng còn bố trí các hòm thư tố giác để nhân viên bốc xếp kịp thời tố giác, báo cáo các hành vi sai trái… Thế nhưng chính lãnh đạo các đơn vị này đều không trả lời được đâu là "lỗ hổng" dẫn tới khả năng mất hành lý. Đặc biệt, với các chuyến bay quốc tế về Việt Nam lại càng nan giải bởi còn liên quan đến khâu bốc xếp, vận chuyển từ các sân bay nước ngoài. Trong quá trình kiểm tra, chính Phó cục trưởng Cục HKVN Đào Văn Chương đã phát hiện rất nhiều kiện, túi hành lý đã bị bung khóa, dây đai hoặc bị móp méo trước khi có bàn tay can thiệp của nhân viên phía Việt Nam.

Có một câu trả lời cho giải pháp dường như khả dĩ hơn đến từ ông Cao Văn Thái - Phó Trưởng ban An ninh an toàn (Tổng Công ty Cảng HKVN). Ông Thái nhấn mạnh: Liên quan đến cả một hệ thống dây chuyền nhưng các đơn vị đều như mới chỉ đang triển khai các giải pháp đơn lẻ mà thiếu đi sự đồng bộ. Đơn vị nào cũng đề nghị phải tăng cường phối hợp nhưng giữa các đơn vị liên quan dường như mới chỉ phối hợp trên "giấy". Sẽ không bao giờ hết được 100% nạn trộm cắp hành lý vì đó là vấn nạn chung của hàng không thế giới. Do đó, các bên phải ngồi lại với nhau cùng rà soát từng quy trình nhằm tìm ra "lỗ hổng". Quy trình đó phải liên tục cập nhật để không lạc hậu, qua đó tạo kẽ hở cho kẻ gian. Cùng với đó, cần tăng cường camera giám sát ở tất cả các vị trí dễ xảy ra mất mát, ví dụ như khu vực hầm hàng máy bay; luân chuyển vị trí làm việc của các nhân viên…

Tình trạng mất cắp hành lý hiện không chỉ là nỗi bức xúc của người dân, dư luận mà cũng chính là của Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng. Ông nói: "Khi nào lãnh đạo ngành hàng không chưa thấy mình bị xúc phạm về việc này thì tình trạng trên chưa thể giải quyết triệt để. Về giải pháp khắc phục, trước mắt, quy trách nhiệm cho người đứng đầu, từ tổ trưởng, đội trưởng, trưởng ca trực đến lãnh đạo cảng hàng không, Cục HKVN. Ngoài ra, phải rà soát lại toàn bộ đội ngũ nhân sự trong lĩnh vực này. Nếu người nào lý lịch không rõ ràng thì không bố trí làm việc trong đội ngũ bốc xếp hàng hóa. Mỗi vụ trộm cắp phải làm rõ ai là người chịu trách nhiệm, ở khâu nào... Từ nay đến cuối năm, nếu tình hình này không được chấn chỉnh, Bộ GT-VT sẽ xử lý, kiểm điểm, kỷ luật từ lãnh đạo cảng vụ hàng không đến Cục HKVN…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến "soi lá tìm sâu"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.