(HNM) - 47 trên tổng số 77 tỉnh thành ở khu vực Đông bắc Thái Lan đang chịu một đợt hạn hán hiếm có, trong khi đó, các tỉnh phía Nam lại đang hứng những trận mưa như thác liên tục suốt gần hai tuần qua gây sạt lở đất và lũ quét nghiêm trọng.
Thảm họa thiên tai do thời tiết biến đổi thất thường đã cướp đi sinh mạng của hơn 40 người, đang làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người dân Thái Lan do rơi vào cảnh thiếu lương thực, nước sinh hoạt, giao thông bị ngưng trệ… "Thủ phạm giấu mặt" gây lũ lụt lớn và hạn hán kéo dài tại quốc gia láng giềng được xem là hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) đã đến hồi nguy hiểm.
Lũ lụt do BĐKH gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân miền Nam Thái Lan. Ảnh: Reuters |
Như một sự ngẫu nhiên trớ trêu, giữa lúc các lực lượng cứu hộ của Chính phủ Thái Lan đang phải căng sức hỗ trợ nạn nhân - trong đó có rất nhiều du khách nước ngoài đang bị mắc kẹt - trong trận lũ lụt kinh hoàng giữa mùa khô hạn này, hội nghị của Liên hợp quốc (LHQ) về BĐKH lại được tổ chức tại thủ đô Bangkok từ ngày 3 đến 8-4. Đây là cuộc gặp đầu tiên của các nước tham gia Hiệp định khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC) kể từ sau hội nghị tại Cancun (Mexico) cuối năm ngoái. Sự kiện hơn 2.270 đại biểu đến từ 175 quốc gia trên thế giới tề tựu tại Bangkok đúng vào thời điểm "nước sôi lửa bỏng" của Thái Lan và xa hơn nữa là Nhật Bản được kỳ vọng sẽ củng cố thêm nỗ lực ứng phó chung với BĐKH của các nước trên toàn thế giới.
Với kết quả khiêm tốn, Hội nghị Thượng đỉnh Cancun (Mexico) về BĐKH, sau cuộc thương thảo cuối cùng kéo dài suốt đêm, 194 quốc gia - trừ Bolivia và Cuba - đã nhất trí lập ra một Quỹ Khí hậu xanh trị giá 1.000 tỷ USD trong 10 năm tới để hỗ trợ các nước nghèo phát triển thân thiện với môi trường và đối phó với hậu quả của BĐKH. Dù không mang tính ràng buộc, nhưng thỏa thuận này được kỳ vọng là bước tích cực hướng tới sự đồng thuận mới tại hội nghị thượng đỉnh về BĐKH sẽ diễn ra cuối năm nay tại Durban (Nam Phi).
Thành công hiếm hoi của Hội nghị Cancun cho thấy, xử lý vấn đề BĐKH không chỉ đơn thuần là chuyện tiền nong mà còn đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của từng cá nhân ở tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là những nước công nghiệp phát triển. Bất đồng lớn nhất giữa các nước giàu và nước nghèo hiện vẫn là việc đi đến một hiệp ước mới có giá trị pháp lý để thay thế Nghị định thư Kyoto - ra đời năm 1997 và có hiệu lực đến cuối năm 2012. Cản trở lớn nhất để có thể ra đời một hiệp ước mới về BĐKH là khi các quốc gia phê chuẩn Nghị định thư Kyoto phải cắt giảm lượng khí phát thải trong một nỗ lực chung nhằm làm giảm độ nóng lên của Trái đất thì Mỹ và Trung Quốc - hai cường quốc có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao nhất thế giới (khoảng 41%) - lại vẫn đứng ngoài cuộc.
Thế giới đang nhận rõ hơn lúc nào hết những tác hại do BĐKH gây ra. Thảm họa động đất gây sóng thần kinh hoàng (11-3) vừa qua tại Nhật Bản cùng những gì đang diễn ra tại Thái Lan cho thế giới thấy rằng, BĐKH không còn chỉ là cảnh báo mà đã và đang tác động trực tiếp đến cuộc sống của toàn nhân loại. Khẳng định BĐKH toàn cầu là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng lũ lụt chưa từng thấy tại các tỉnh miền Nam Thái Lan hiện nay, khi một lượng mưa trút xuống khu vực này trong 4 tháng qua đã vượt con số 2.200mm so với 2.700mm của cả năm trước, nước chủ nhà Thái Lan kỳ vọng rất nhiều vào kết quả Hội nghị UNFCCC này.
Với chương trình nghị sự 6 ngày liên tục, đại diện các nước và các tổ chức quốc tế sẽ tập trung thảo luận kế hoạch hành động sau kết quả tại Cancun (Mexico); đồng thời đưa ra các hành động cụ thể để ứng phó với BĐKH. Điểm nhấn của cuộc gặp đang diễn ra tại Bangkok là phiên họp thứ 6 của Ủy ban đặc biệt đối với các cam kết mới của các nước phát triển theo Nghị định thư Kyoto và phiên họp thứ 14 của Ủy ban đặc biệt về hành động hợp tác lâu dài theo UNFCCC.
Dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng đến nay cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể tìm được lời giải hữu hiệu cho bài toán BĐKH. Thế giới đang kỳ vọng vào cuộc gặp tại Bangkok là một cú dọn đường tích cực tới Durban. Sớm hay muộn, thế giới cần đạt một đồng thuận toàn cầu về BĐKH để cùng chia sẻ trách nhiệm cắt giảm khí thải gây ô nhiễm. Song để đạt được điều đó không hề đơn giản khi các lợi ích quốc gia chưa tìm được tiếng nói chung và cuộc chiến với "thủ phạm giấu mặt" - BĐKH do đó sẽ vẫn là quãng đường dài đầy thách thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.