Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chiến không tuyên bố

Minh Nhật| 28/02/2013 07:10

(HNM) - Sự kiện nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và không nằm trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) bị hạ

Vương quốc Anh được cho là đã tham gia cuộc đua làm rẻ đồng nội tệ.



Thế nhưng, không giống như sự cố mất tín nhiệm, bước lùi của một đồng tiền - cụ thể ở đây là đồng bảng Anh (một trụ cột tiền tệ thế giới) luôn được xem là nơi cất giữ tài sản an toàn dường như nằm trong sự "toan tính" của giới lãnh đạo xứ Sương mù.

Không chỉ có cựu Thống đốc Ngân hàng Anh Marvin King cho rằng đồng bảng phải giảm giá để kích thích nền kinh tế đang trì trệ; người đương nhiệm Mark Carney dù không tuyên bố nhưng cũng ngả theo xu hướng này. Có nhiều lý do để London làm ngơ trước hiện tượng đồng bảng giảm 3% giá trị chỉ trong tháng 1-2013. Sự yếu kém của kinh tế Anh được xem là tác nhân tự nhiên cho sự suy giảm bất thường của đồng tiền nổi tiếng này. Tuy nhiên, xứ Sương mù đã có những chuyển động để thị trường tin rằng các chính sách nới lỏng tiền tệ hơn nữa là một phương án được lựa chọn của Ngân hàng Trung ương Anh.

Câu chuyện đồng bảng mất giá chắc sẽ bớt ồn ào hơn nếu như nó không được xem là sự nối tiếp cho một trào lưu mà các nhà kinh tế vừa cảnh báo. Đó là cuộc đua làm rẻ đồng nội tệ. Quốc gia được nhắc tới nhiều nhất và được xem là "thủ phạm" cho trận chiến không tuyên bố này là Nhật Bản. Với đường lối rõ ràng là phải bằng mọi cách để cứu vãn nền kinh tế trong tình trạng thiểu phát, Thủ tướng Shinzo Abe ngay sau khi nhậm chức đã phát đi các thông điệp về những gói kích thích kinh tế quy mô vừa phải và cả khổng lồ để "chữa bệnh" ì ạch của nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc. Không chỉ vậy, tân Thủ tướng Nhật Bản cũng đã ấn định việc giảm giá đồng yên như một ưu tiên. Xứ Phù Tang đã đi qua một thập kỷ giảm phát và Tokyo cho rằng quá trình tạo đà cho nền kinh tế cần sự tham gia tích cực của việc định giá lại đồng tiền. Nếu tính đến việc đồng nội tệ của Nhật Bản đã bị bay hơi 17% so với đồng USD và 25% so với đồng euro chỉ trong 6 tháng qua thì rõ ràng, Tokyo đã thành công trong nỗ lực "cài đặt" lại giá trị đồng yên. Song, cũng chính sự giảm giá ngoạn mục đó mà xứ Hoa anh đào đã trở thành tâm điểm đầu tiên của những cảnh báo về một cuộc chiến tiền tệ không tuyên bố giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Và, nguy cơ của nó là sẽ lôi cuốn các nền kinh tế yếu hơn vào cuộc chiến "vô tiền khoáng hậu" này.

Không quốc gia nào thừa nhận đã, đang và sẽ tham gia "cuộc chơi", nhưng những diễn biến trên thực tế thị trường tiền tệ toàn cầu ít ngày qua khẳng định rằng, một cuộc "so găng" âm thầm đã và đang diễn ra giữa các đồng tiền từ Châu Á đến Châu Âu, Mỹ và cả các quốc đảo trên đại dương. Khác với Nhật Bản không che giấu kế hoạch đồng yên yếu, cường quốc số 1 thế giới là Mỹ cũng không từ chối "lộ trình" chưa rõ ràng này. Các đời Tổng thống Mỹ đều tuyên bố sự cần thiết phải duy trì đồng USD mạnh. Song, mong muốn đó có lẽ không được "như ý" khi từ năm 2002 đến nay, đồng tiền mạnh nhất thế giới đã xuống giá tới 20%. Việc này đồng nghĩa với việc những ngân hàng và các cá nhân sở hữu đồng USD đã mất 20% giá trị chỉ trong khoảng 10 năm. Nguyên nhân không khó để tìm ra khi Washington triển khai ồ ạt những gói kích thích khổng lồ lên đến hàng nghìn tỷ USD vào thị trường để hồi sinh nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính thế kỷ vào năm 2008.

Chẳng có gì phải bàn cãi khi các cường quốc tìm cách đi lên từ khó khăn. Nhưng, sự liên thông của hệ thống tài chính toàn cầu cũng đồng nghĩa với việc không quốc gia nào có thể "một mình một ngựa". Các nước đang phát triển tại Mỹ Latinh và Châu Á đang vô cùng lo ngại về nguy cơ sẽ thành nạn nhân của tình trạng lạm phát như hậu quả của việc thả lỏng đồng tiền từ những nước phát triển. Từ năm 2009, các đồng nội tệ ở Mỹ Latinh đã tăng từ 20% đến 30% so với đồng USD trong khi đồng won Hàn Quốc đã thêm 30% giá trị so với đồng yên Nhật Bản, 18% so với đồng baht Thái Lan và 20% so với đồng nhân dân tệ.

Vậy có hay không một cuộc chiến tiền tệ giữa các quốc gia? Một số lãnh đạo thế giới tin rằng hệ thống tài chính toàn cầu đã cận kề đến "ranh giới đỏ" giữa lúc một số khác xoa dịu khi tin tưởng đây chỉ là sự thổi phồng quá mức về một rủi ro chưa hẳn đã tồn tại. Tỷ phú George Soros, một trong số ít người khẳng định thế giới đã đứng trước bờ vực của sự cạnh tranh khốc liệt về tỷ giá đã kiếm lời cả tỷ USD khi đặt cược vào sự sụt giảm của đồng yên từ tháng 11 năm ngoái. Như thế có nghĩa rằng, không hẳn là không có cơ hội từ thách thức. Vấn đề là, mỗi quốc gia đều cần một chính sách khôn ngoan và tận dụng những gì được xem là lợi thế trong một thế giới đang có những chuyển động khác thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến không tuyên bố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.