(HNM) - Những tuyên bố theo đuổi chương trình hạt nhân nhằm phục vụ mục đích hòa bình của Iran đến nay vẫn không thuyết phục được Liên minh Châu Âu và Mỹ. Ngược lại, sự kiên quyết của Tehran trong cuộc theo đuổi làm giàu uranium đã khiến hai đồng minh Đại Tây Dương nổi giận và liên tiếp thúc đẩy các gói trừng phạt kinh tế hiểm hóc hơn.
Hệ thống ngân hàng Iran bị ảnh hưởng nặng nề vì lệnh cấm vận liên tiếp của phương Tây. |
Nối tiếp những biện pháp cô lập ngặt nghèo đánh vào ngành công nghiệp dầu mỏ, các tổ chức tài chính và hàng loạt cá nhân Iran, Châu Âu vừa tiến thêm một bước nữa trong hành trình siết chặt vòng vây với quốc gia Hồi giáo. Hạn chế hơn nữa các giao dịch tài chính vốn đã rất hẹp với các ngân hàng Iran, một loạt lĩnh vực công nghiệp, vận tải hàng hải của Tehran cũng đã được đưa vào "danh sách đen". Không chỉ dầu mỏ, khí tự nhiên của Iran cũng sẽ không được phép đến với khách hàng Châu Âu. Các loại kim loại, than chì, công nghệ đóng tàu, thiết bị dự trữ dầu từ Châu Âu cho các công ty vận tải của nước cộng hòa Hồi giáo lại càng tuyệt đối bị cấm kỵ. Những tên tuổi trong ngành công nghiệp dầu mỏ Iran cũng sẽ bị cấm nhập cảnh vào EU. Với lần hành động mới nhất, toàn diện hơn và được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, không sai khi nói rằng đây là cú "ra đòn" mạnh nhất của EU với chính quyền Tehran.
Mặc cho Nga, Trung Quốc phản đối khi cho rằng chiếc thòng lọng vừa được Châu Âu tung ra nhằm siết chặt hơn nữa đối với Iran sẽ ảnh hưởng tới giá năng lượng thế giới như từ tháng 7 vừa qua, EU vẫn khẳng định những việc làm trên là cần thiết. Khi những thuyết phục Tehran từ bỏ chương trình làm giàu uranium lên mức 20%, - một hạn mức kỹ thuật quan trọng chuẩn bị cho bước phát triển bom nguyên tử - thất bại, Châu Âu tin rằng cấm vận là vũ khí cần thiết để Iran phải đổi hướng. Với Mỹ và đồng minh, việc quốc gia Hồi giáo đi những bước xa hơn trong làm giàu uranium, tiến gần hơn đến triển vọng sở hữu vũ khí nguyên tử là không thể chấp nhận và luôn gây bất an.
Do đó sự trừng phạt mà Châu Âu đang hướng tới Iran không hề là cú đòn tâm lý. Những số liệu mới nhất khẳng định nền kinh tế của Tehran đã hỗn loạn ghê gớm kể từ khi ngành công nghiệp dầu mỏ chiếm tới 50% thu nhập quốc dân không thể vận hành như mong muốn vì bị cô lập. Theo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sản lượng khai thác dầu của Iran đã giảm xuống mức 2,8 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong 20 năm qua. Trong khi đó, xuất khẩu của nước cộng hòa Hồi giáo chỉ đạt 1 triệu thùng/ngày, chưa bằng một nửa so với hồi đầu năm 2012. Ngay cả Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cũng đã lên tiếng thừa nhận tác động nghiêm trọng của cuộc cấm vận từ EU chưa kết thúc với nền kinh tế Iran. Khi sự lưu thông của hệ thống tài chính đột nhiên bị ngắt quãng do trừng phạt, đồng rial của Iran đã mất giá nghiêm trọng. Kết quả là, hàng loạt mặt hàng thiết yếu, từ đường, sữa, bánh mỳ... đã tăng giá bất ngờ. Những ngành công nghiệp chủ lực khác như sản xuất xe hơi... cũng đình đốn vì không nhập được phụ tùng khiến hàng trăm ngàn nhân công mất việc làm. Chính phủ của Tổng thống Ahmadinejad cũng đã nhìn nhận một thực tế là nền kinh tế Iran sẽ cực kỳ khó khăn và phải mất rất nhiều thời gian để thoát khỏi cơn khủng hoảng hiện hữu.
Mới đây, có nguồn tin cho rằng Tehran có kế hoạch sẽ tạo "Vùng nước bẩn" ở Vịnh Persian với việc xả một lượng lớn dầu thô ra cửa biển nhằm trả đũa phương Tây. Sự thực hư của tin tức trên thật khó để kiểm chứng nhưng chắc chắn Iran đang nắm giữ lá bài quan trọng là eo biển Hormuz, cửa ngõ đi vào vùng Vịnh và tuyến đường huyết mạch của hơn 1/3 số tàu chở dầu trên thế giới. Nhưng, cũng cần thấy rằng, Tehran đã không ít lần bóng gió sẽ đóng cửa eo biển này song chưa có động thái nào cho thấy tuyên bố sẽ thành hiện thực. Không phải quốc gia Hồi giáo không thể hành động mà bởi lẽ kịch bản này là không đơn giản nếu Iran không muốn đẩy tới một cuộc đối đầu với một phần rộng lớn của thế giới. Đến thời điểm này, cuộc chiến không tiếng súng giữa phương Tây và Iran đang tăng thêm cường độ. Nhưng, dư luận vẫn trông đợi một kết thúc nhẹ nhõm hơn khi P5+1, gồm 5 quốc gia thường trực của HĐBA Liên hợp quốc và Đức, cùng Iran vừa cam kết sẽ tiếp tục đối thoại để tìm lối thoát bằng một giải pháp ngoại giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.