Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chiến chống IS: Tiến dần đến mục tiêu cuối

Quỳnh Dương| 16/06/2016 07:55

(HNM) - Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Trung Đông và Bắc Phi đang có những tiến triển tích cực khi đội quân khủng bố tàn bạo này phải hứng chịu những tổn thất dồn dập, liên tục tại các thành trì quan trọng trên khắp Trung Đông và Bắc Phi.

Quân đội Syria giành được nhiều thắng lợi trước IS trên chiến trường.


Theo nguồn tin mới nhất từ các kênh truyền hình Syria, thủ lĩnh IS Abu Bakr Al-Baghdadi đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ. Trước đó, có tin cho rằng tên này cùng một số chỉ huy khác của IS đã bị thương nặng trong chiến dịch không kích nhằm vào nơi ẩn náu của chúng ở khu vực gần biên giới Syria. Nếu như thông tin về số phận của Al-Baghdadi được xác nhận, đây sẽ là đòn giáng chí mạng vào IS trong khi địa bàn hoạt động của chúng liên tiếp bị thu hẹp sau những cuộc tấn công dồn dập từ các lực lượng chống khủng bố. Đáng chú ý là việc quân đội Chính phủ Syria, được Nga và Iran hậu thuẫn đã giành được quyền kiểm soát một giao lộ chiến lược dẫn tới thành phố Raqqa, vốn được coi là "thủ đô" của IS ở Syria. Chiến dịch tiến đánh thành phố Aleppo đã giải phóng được nhiều làng mạc, thị trấn khỏi lực lượng cờ đen và phiến quân khủng bố Mặt trận Al-Nursa.

Dựa vào những lợi thế sẵn có trên thực địa, dự kiến trong những ngày tới, quân đội Chính phủ Syria sẽ tiếp tục có những bước tiến quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Iran và Syria vừa thống nhất một kế hoạch mới để chống IS. Theo đó, các bên sẽ tiến hành cuộc chiến theo những ưu tiên rõ ràng với mục đích gây trở ngại hoặc ngăn chặn các nguồn hậu thuẫn về chính trị, vũ khí giúp các nhóm khủng bố mở rộng phạm vi hoạt động. Đối với các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn, cuộc chiến chống khủng bố trên chiến trường Syria và Iraq cũng đang có chuyển biến tích cực. Tuần qua, lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và người Kurd đã tiến sát và bao vây thị trấn Manbij, thành trì của IS ở miền Bắc Syria, hướng tới việc cắt đứt tuyến vận chuyển quan trọng của tổ chức này, mở đường tiến đánh thành phố Aleppo. Liên tiếp chịu tổn thất nặng nề, lực lượng IS đã phải rút về cố thủ.

Trên chiến trường Iraq, được sự yểm trợ từ các máy bay của liên quân do Mỹ dẫn đầu, lực lượng an ninh nước này đã giải phóng thêm được nhiều khu vực ở tỉnh Anbar ở miền Tây và đang siết chặt vòng vây IS ở thành phố Fallujah. Trong khi đó, tại Libya, các lực lượng trung thành với Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) đã giành quyền kiểm soát bến cảng tại thành phố Sirte, tạo bước đệm quan trọng nhằm kiểm soát toàn bộ khu vực được coi là căn cứ địa của IS ở khu vực Bắc Phi.

Như vậy, tổ chức khủng bố của Al-Baghdadi đang phải đối mặt với các cuộc tấn công lớn trên cả ba mặt trận tại Iraq, Syria và Libya. Thực tế, trong một năm qua, đội quân khát máu này đã mất tới gần 50% diện tích lãnh thổ kiểm soát ở Iraq, Syria và bị sụt giảm tới 70% nguồn thu quan trọng từ dầu mỏ. Những diễn biến này đang củng cố niềm tin về việc thế giới tiến gần đến việc xóa sổ tổ chức khủng bố man rợ. Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại trên con đường tiến tới mục tiêu cuối cùng này, đặc biệt là sự cạnh tranh về vai trò giữa hai cường quốc liên quan là Nga và Mỹ. Trong khi Nga muốn chứng tỏ sự hiệu quả và vị thế dẫn đầu thì yêu cầu của Mỹ là buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức. Sự bất đồng về lợi ích của các bên liên quan đã khiến đàm phán hòa bình cho Syria đến nay vẫn rơi vào bế tắc. Liên hợp quốc thậm chí tuyên bố sẽ không tổ chức thêm vòng đối thoại hòa bình Syria nào nữa cho đến khi các bên nhất trí được điều kiện cơ bản cho một thỏa thuận chuyển giao chính trị tại nước này. Ngoài ra, sự chia rẽ trong nội bộ Iraq, Libya cũng là nguyên nhân gây ra những bất ổn về an ninh, tạo điều kiện cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan có cơ hội lợi dụng và lộng hành.

Dù đang thất thế trên nhiều mặt trận, song IS trên thực tế vẫn là một mối đe dọa lớn, phức tạp và có nhiều khả năng trỗi dậy. Vì vậy, cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới rất cần sự đoàn kết và hợp lực giữa các quốc gia cũng như sự tính toán trong các ưu tiên lợi ích của những cường quốc. Thực tế cho thấy đây là một vấn đề không dễ dàng. Thế nhưng, với những tội ác đã gây ra, IS và chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa trực tiếp đối với hòa bình và an ninh không chỉ ở Trung Đông mà còn khắp thế giới. Vì vậy, giành thắng lợi trọn vẹn trước IS và quan trọng hơn không để cho những nhóm khủng bố tương tự có thể hình thành là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến chống IS: Tiến dần đến mục tiêu cuối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.