Thực trạng suy giảm diện tích rừng đang diễn ra ở nước ta không chỉ đe dọa đến sự mất cân bằng đa dạng sinh học mà còn khiến tình trạng biến đổi khí hậu thêm trầm trọng.
Để “cứu” các cánh rừng, nhãn hàng OMO đã triển khai dự án tài trợ trồng hàng nghìn cây quý hiếm, phù hợp với đặc trưng sinh thái ở hai vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên và Phong Nha - Kẻ Bàng với hy vọng hồi sinh những “mảng xanh đã mất”.
“Lá phổi xanh” đang… suy giảm
Thực trạng cháy rừng, phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng… khiến diện tích rừng ở nước ta không ngừng suy giảm. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ trong 11 tháng năm 2019, diện tích rừng bị thiệt hại ở nước ta khoảng 3.275,1ha, gấp hơn 3 lần năm 2018; trong đó, diện tích rừng bị cháy là 2.707,7ha, diện tích rừng bị chặt phá là 567,4ha.
Mất rừng gây mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm, hạn hán, lũ lụt, phát sinh nhiều dịch bệnh… Bên cạnh đó, vấn nạn này cũng khiến tình trạng biến đổi khí hậu thêm trầm trọng. Hậu quả của việc biến đổi khí hậu có thể khiến khoảng 5 tỷ người trên thế giới thiếu nước vào năm 2050. Điều này có liên quan mật thiết đến sự suy giảm diện tích rừng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Vườn quốc gia đang bị xâm hại
Theo Trung tâm Giám sát bảo tồn thế giới, nước ta có khoảng 10.500 loài thực vật có mạch và 1.534 loài động thực vật với hơn 30 VQG; tổng diện tích các VQG khoảng 10.665,44km2, chiếm khoảng 3% diện tích đất liền. Trong đó, Cát Tiên và Phong Nha - Kẻ Bàng là hai VQG có hệ sinh thái điển hình và đặc trưng bậc nhất Việt Nam, đóng vai trò là “lá phổi xanh”, giúp điều hòa, lọc sạch bụi bẩn trong không khí và dự trữ sinh quyển lớn, duy trì nguồn gen của các loại cây quý hiếm cho Việt Nam cũng như cân bằng sinh thái…
VQG Cát Tiên không chỉ là một trong những nơi có số lượng động thực vật phong phú nhất Việt Nam mà còn là khu “dự trữ sinh quyển thế giới” được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Diện tích toàn vùng rộng khoảng 71.920ha, giáp ranh ba tỉnh Lâm Đồng - Đồng Nai - Bình Phước.
Trong khi đó, Phong Nha - Kẻ Bàng là VQG có diện tích lớn nhất nước (123.326ha), đặc trưng với các kiến tạo đá vôi, 300 hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Đây cũng là VQG duy nhất tại Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 2003.
Tuy nhiên, những cánh rừng tại hai VQG này đang bị người dân xâm canh, lâm tặc tàn phá, cháy trong mùa khô… khiến hệ động thực vật có nguy cơ bị biến mất, uy hiếp nghiêm trọng đến hệ sinh thái. Riêng vấn nạn phá rừng, theo số liệu thống kê của VQG Cát Tiên, mỗi năm, các cán bộ kiểm lâm tại đây phát hiện và lập hồ sơ xử lý từ hàng chục đến hàng trăm vụ chặt phá cây gỗ trái phép. Thực trạng tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cũng không kém phần nhức nhối khi vừa qua, khu vực rừng gỗ mun quý hiếm nằm trong vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới đã bị chặt phá hết sức nghiêm trọng. Thống kê có 66 cây gỗ bị đốn với tổng khối lượng thiệt hại khoảng 70m3.
Nỗ lực “cứu” rừng với dự án trồng hàng nghìn cây gỗ quý hiếm
Đối mặt với tình trạng mất rừng đang diễn ra từng ngày, ngoài việc tăng cường bảo vệ rừng, giải quyết vấn nạn tàn phá rừng thì việc trồng rừng, phủ xanh những khoảng rừng đã mất là hoạt động luôn được nhà nước tăng cường triển khai. Bên cạnh đó, nhiều công ty lớn cũng có những chương trình đồng hành tích cực.
Liên quan đến việc bảo tồn VQG Cát Tiên và Phong Nha - Kẻ Bàng, vừa qua, nhãn hàng OMO đã thực hiện việc trao tặng “Quỹ OMO vườn ươm lộc quý Việt Nam” cho hai VQG này. Theo dự án, OMO sẽ tài trợ trồng hàng nghìn cây quý hiếm, phù hợp với đặc trưng sinh thái của mỗi VQG. Chương trình này hy vọng, thời gian sắp tới, những “mảng xanh đã mất” tại hai VQG Cát Tiên và Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ nhanh chóng hồi sinh.
Được biết, dự án là sự tiếp nối chiến dịch “Phủ xanh Việt Nam”, khuyến khích người tiêu dùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng thông qua hoạt động kêu gọi cộng đồng chung tay trồng cây xanh đầy ý nghĩa của nhãn hàng này. Trước đó, từ tháng 9-2019, nhãn hàng OMO Matic cũng đã thực hiện kế hoạch trồng mới hơn 33.000 cây xanh tại 11 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm bảo vệ bầu không khí và mang đến nhiều sân chơi xanh hơn cho thiếu nhi để các em có thể tự do vui chơi lấm bẩn.
Bên cạnh hoạt động “Quỹ OMO vườn ươm lộc quý Việt Nam”, nhãn hàng OMO cũng phát động phong trào thi đua “Góc xanh học đường” tại nhiều trường tiểu học trên toàn quốc. Đây là 2 hoạt động nổi bật trong chiến dịch “Vui trồng lộc Tết, lấm bẩn gieo điều hay” của nhãn hàng OMO dịp Tết năm 2020.
Thông qua chương trình, OMO muốn kêu gọi mọi người chung tay “gieo lộc” bằng cách tích cực trồng cây xanh, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Đây cũng là hoạt động nhằm khuyến khích trẻ em, các gia đình quan tâm đến thiên nhiên; xây dựng ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường một cách thiết thực nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.