(HNM) - "Đừng để các em chất chứa trong lòng nỗi phiền muộn, người lớn chúng ta - các thầy cô giáo, phụ huynh, hãy mở lòng, lắng nghe nhiều hơn nữa để các em tin tưởng và chủ động, sẵn lòng chia sẻ những điều đang cấn cá trong lòng" là tâm sự của cô giáo Bùi Thị Hồng Hiên, người được phân công phụ trách phòng tham vấn tâm lý Trường THCS Vạn Thắng (Ba Vì).
Với đặc điểm của một trường học ở vùng ngoại thành, nơi hầu hết học sinh (HS) đều xuất thân từ gia đình làm nghề nông, cha mẹ bận rộn với công việc đồng áng, chưa có nhiều thời gian quan tâm đến con, song, với sự gần gũi, đồng cảm và trách nhiệm của mình, phòng tham vấn tâm lý trường học ở THCS Vạn Thắng đã phát huy được nhiều ưu điểm, tạo cho các em tâm thế thoải mái và an toàn trong mỗi ngày bước chân đến lớp. HS đã bớt đi sự ngại ngần, có phần chủ động hơn khi tìm đến phòng tham vấn. Cách làm của trường là thiết kế mẫu lưu hồ sơ tham vấn, ghi chú lại những trường hợp đặc biệt, từ đó tìm ra cách thức can thiệp phù hợp.
THCS Vạn Thắng (Ba Vì) là một trong số 20 trường phổ thông của Hà Nội đang triển khai dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng". Đây là đơn vị được Sở GD-ĐT Hà Nội và các đơn vị đồng nghiệp đánh giá là có nhiều sáng kiến trong hoạt động tổ chức tham vấn tâm lý - một trong những nội dung cơ bản, quan trọng trong chuỗi hoạt động dự án.
Thầy giáo Nguyễn Hùng Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Vạn Thắng cho biết: Trường đã thành lập ban chỉ đạo triển khai dự án, thành phần là ban giám hiệu nhà trường. Lãnh đạo nhà trường, giảng viên nguồn, cán bộ phòng tham vấn… tham gia nghiêm túc, đầy đủ các lớp tập huấn cho từng vị trí nhiệm vụ. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên của Sở GD-ĐT Hà Nội, Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam, qua một năm triển khai, các hoạt động của dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ý thức HS ngày càng có chuyển biến.
Với phương châm "Việc to vo thành nhỏ, việc nhỏ biến thành không", tình trạng mâu thuẫn, xung đột giữa HS trong lớp, trong trường bớt đi nhiều. Những chuyển biến này đã khiến cho giáo viên, phụ huynh ngày càng yên tâm, tin tưởng dự án sẽ đạt được mục tiêu như chính tên gọi dự án: "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng".
Cô giáo Nguyễn Hải Luyến, Trường THCS Lê Lợi (Hà Đông) cho rằng đây là cách thức phù hợp, có thể tham khảo để duy trì hiệu quả hoạt động của phòng tham vấn tâm lý. Còn bác Nguyễn Thị Tâm, phụ huynh HS Trường THCS Vạn Thắng không giấu được niềm vui, cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ tham vấn, con trai bác từ chỗ lầm lì, hay nổi cáu, ít chia sẻ với bố mẹ, nay đã hoạt bát, tình cảm và có nhiều tiến bộ trong học tập.
"Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" là dự án do Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2016 với sự tài trợ của Quỹ ủy thác của Liên hợp quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.