(HNM) - Theo thông tin của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đang có 382.000 doanh nghiệp không hoạt động nhưng không rõ tình trạng pháp lý. Nhiều tòa án ở địa phương cũng cho hay, họ không thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố phá sản của doanh nghiệp nào, như vậy Luật Phá sản năm 2004 có vấn đề. Tuy nhiên thực tế không chỉ có luật này.
Vận chuyển gas trên đường, nói theo ngôn ngữ của cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) là vận chuyển "bom nổ chậm". Để bảo đảm an toàn, tránh xảy ra cháy nổ, Nghị định 123/2005, quy định khi chuyên chở gas phải để dựng đứng bình. Nghị định cũng quy định: Cảnh sát PCCC cũng có quyền xử phạt người điều khiển phương tiện chuyên chở các bình gas sai quy định. Thế nhưng hằng ngày, người tham gia giao thông vẫn chứng kiến các phương tiện chở gas vẫn để các bình gas nằm ngang, có lẽ do chưa xảy ra nổ nên cơ quan chức năng cũng không quan tâm?
Trước tình trạng thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế đã có Thông tư 30/2012, quy định người bán thức ăn đường phố phải được tập huấn về an toàn thực phẩm và phải có giấy xác nhận. Cũng theo Thông tư, người làm dịch vụ thức ăn đường phố phải được khám sức khỏe và cơ quan chức năng cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20-1-2013 nhưng cho đến nay hầu hết người làm dịch vụ này cho hay họ không biết gì về văn bản này. Mới đây lại có quy định cấm sử dụng điện thoại di động ở các địa điểm bán xăng, cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nhưng mọi việc vẫn diễn ra như lúc chưa có quy định.
Vì sao một số luật và nhiều văn bản pháp lý không đi vào đời sống? Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân đầu tiên có lẽ là chất lượng luật. Luật Phá sản năm 2004 không quy định rõ ràng về việc doanh nghiệp thế nào bị gọi là phá sản, chưa bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, thủ tục phức tạp và chưa hợp lý, nhiều mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác... do vậy rất khó khăn cho chủ doanh nghiệp muốn làm thủ tục phá sản. Sự tồn tại không rõ tình trạng pháp lý của các doanh nghiệp ngừng hoạt động đã làm khó cho ngành thuế và nhiều cơ quan khác. Nghị định 123/2005 quy định cho cảnh sát PCCC được quyền phạt người điều khiển phương tiện vận chuyển gas không đúng quy định nhưng họ lại không có quyền dừng xe đang lưu thông khi chủ phương tiện không có biểu hiện vi phạm luật giao thông. Với Thông tư 30, dù thực hiện không dễ nhưng vẫn có thể làm được nếu quyết tâm, song không thấy cơ quan chức năng triển khai nên thức ăn đường phố không bảo đảm ATVSTP vẫn là mối lo của xã hội.
Luật cũng như các văn bản có giá trị pháp lý ra đời từ đòi hỏi thực tế cuộc sống để rồi quay trở lại phục vụ cuộc sống làm cho xã hội an toàn, ổn định và phát triển lành mạnh. Nếu văn bản quy phạm pháp luật có các điều khoản chưa hợp lý, bất cập thì nhất thiết phải sửa, còn nếu đã bảo đảm về mọi mặt dứt khoát phải thực hiện nghiêm. Còn chỉ xây dựng luật và văn bản pháp lý theo kiểu để cho có thì đó cũng là căn bệnh thành tích và gây lãng phí cho xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.