(HNM) - Cuộc chiến chống dịch Covid-19 càng căng thẳng, tình người càng ấm áp, tỏa sáng. Những ngày này, người dân và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đang chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn, cùng nhau vượt qua đại dịch với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái vốn có của người Việt Nam.
Những tấm lòng thơm thảo
Cùng với các cấp chính quyền, các tầng lớp nhân dân ở thành phố mang tên Bác cũng đang hỗ trợ người nghèo, người yếu thế vượt qua dịch Covid-19 bằng nhiều cách. Những ngày qua, người dân cả nước, thậm chí cả dư luận quốc tế, cũng dành hết lời khen ngợi đến “cha đẻ” của máy phát gạo tự động là anh Hoàng Tuấn Anh, sinh năm 1985, hiện là Giám đốc điều hành một doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.
“Tôi may mắn được ba mẹ tạo điều kiện ăn học, làm ăn, nhưng luôn muốn làm điều gì đó chia sẻ với người nghèo, nhất là trong đợt dịch bệnh ghê gớm như lần này. Điều làm tôi bất ngờ nhất là có rất nhiều nhà hảo tâm đã góp sức cùng tôi phát gạo cho bà con”, anh Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.
Từ dự định ban đầu là phát hết 500kg gạo, anh Hoàng Tuấn Anh đã nhận được sự ủng hộ của nhiều cá nhân, tổ chức. Người một bao, người vài chục bao gạo. Đến ngày 14-4, lượng gạo phát ra từ máy phát gạo tự động đầu tiên ở đường Vườn Lài (quận Tân Phú) đã lên đến 1,5 tấn/ngày. Xúc động nhận túi gạo 2kg từ máy phát gạo tự động, ông Dương Quý Vĩnh, 72 tuổi nói: “Thế là nhà tôi có đủ gạo ăn 2 ngày rồi…”. Hiệu ứng lan truyền, ATM gạo, cái tên dễ nhớ, dễ gọi mà những người dân nghèo thành phố đã dành cho thiết bị của anh Hoàng Tuấn Anh đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Đà Nẵng, Huế…
Còn nhiều nữa, những việc làm ấm tình người trong mùa dịch ở thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày tháng 4 này. Vợ chồng chị Võ Thùy Trang, chủ quán cơm Bình An ở đường Ngô Quyền (quận 10) hằng ngày phát 50 phần cơm miễn phí cho những người bán vé số phải tạm nghỉ việc. Anh Lê Thanh Bình ở số 530 đường Hoàng Sa (quận 3) phát 100 phần cơm mỗi ngày cho người nghèo, neo đơn trên địa bàn. Bà Phạm Thị Thủy Tiên, chủ nhà trọ ở phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) đã quyết định giảm giá tiền thuê nhà trọ cho công nhân cho đến khi hết dịch…
Rất nhiều người như vợ chồng chị Trang, anh Bình hay bà Tiên có hành động hỗ trợ những trường hợp khó khăn ở thành phố mang tên Bác. Họ làm việc thiện một cách tự nhiên. Bà Vương Nhã Khanh, chủ nhà trọ ở đường số 7, phường Linh Trung (quận Thủ Đức), người đã giảm 200.000 đồng/tháng cho công nhân, sinh viên thuê nhà, chia sẻ: “Có gì đáng nói đâu cô ơi. Tôi làm theo khả năng của mình để góp sức cho các cháu vượt qua khó khăn lúc dịch bệnh”.
Sẻ chia, hỗ trợ nhiều đối tượng khó khăn
Dự báo trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong xã hội, thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành các nhóm giải pháp, phục vụ an sinh xã hội để chia sẻ, hỗ trợ tới nhiều nhóm người dân. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, các nhóm giải pháp chính bao gồm: Thông qua gói hỗ trợ trị giá 1.800 tỷ đồng, để hỗ trợ công nhân, người lao động bị mất việc; hộ chính sách người có công; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người bán vé số dạo; giáo viên mầm non, người trông giữ trẻ đang thất nghiệp.
Về mức hỗ trợ cụ thể, theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, hơn 78.000 người lao động mất việc do dịch Covid-19 (gồm 47.000 công nhân, người lao động bị mất việc làm và hơn 31.000 giáo viên mầm non, người chăm sóc trẻ tại các cơ sở mầm non, nhóm trẻ tư thục, ngoài công lập đang không có việc làm) được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ là 3 tháng (tháng 4, tháng 5 và tháng 6-2020). Tổng kinh phí hỗ trợ bước đầu ước tính khoảng 236 tỷ đồng. Ngoài ra, hơn 18.700 người bán vé số dạo tại thành phố được hỗ trợ mỗi người 50.000 đồng/ngày, từ ngày 1 đến 15-4, với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 14 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đã đề xuất với UBND thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ toàn bộ 6.300 người diện bảo trợ xã hội đang được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố Hồ Chí Minh cùng với mức 500.000 đồng/người/tháng, nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn, giúp người già, trẻ em tăng đề kháng trong phòng, chống dịch bệnh.
Các cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hồ Chí Minh cũng sẵn sàng chia sẻ phần thu nhập tăng thêm của mình để hỗ trợ đồng bào trong mùa dịch. “Những người có hệ số lương trên 3,0 sẽ được điều chỉnh hệ số tính thu nhập tăng thêm từ 1,2 xuống 0,6. Những người có hệ số lương từ 3,0 trở xuống sẽ được điều chỉnh hệ số thu nhập tăng thêm từ 1,2 xuống 0,8 để tạo khoản tiền dư, ủng hộ những người đang khó khăn ở thành phố”, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Ngoài những khoản hỗ trợ của thành phố, sắp tới, những người thuộc nhóm đối tượng theo gói an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh còn được hưởng hỗ trợ từ Chính phủ. Cụ thể, 42.000 người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng với mức 500.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ 132.000 người diện bảo trợ xã hội đang sinh sống ở cộng đồng; hỗ trợ hơn 32.000 hộ nghèo với 127.000 nhân khẩu với mức 250.000 đồng/người/tháng…
Tất cả đã làm rõ hơn sự sẻ chia, đồng hành của chính quyền, người dân thành phố Hồ Chí Minh đối với những người khó khăn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Và đấy thực sự là động lực để vững niềm tin chiến thắng dịch Covid-19. Như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nói: “Sự chia sẻ, hỗ trợ, thể hiện sự nghĩa tình của người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền thành phố là nguồn lực quý báu để chúng ta giành chiến thắng trước dịch Covid-19!”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.