Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cùng doanh nghiệp vượt khó

Hà Linh| 12/09/2020 06:14

(HNM) - Không chỉ tiếp tục gia hạn các khoản vay cũ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng đã và đang chủ động triển khai nhiều chương trình ưu đãi mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, những chương trình hỗ trợ của ngân hàng đã và đang giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Nhiều ngân hàng triển khai các chương trình ưu đãi giúp khách hàng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Quang Thái

Nhiều chương trình hỗ trợ

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), nhiều chương trình tín dụng không giới hạn quy mô đang được triển khai, như “Đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp”, “Ưu đãi lãi suất cho vay cố định”, “Vay ưu đãi, lãi tri ân" dành cho khách hàng bán lẻ... Đặc biệt, VietinBank triển khai gói ưu đãi lãi suất với quy mô 60.000 tỷ đồng và 600 triệu USD, trong đó mức lãi suất cho vay từ 4,3%/năm đối với VND và 2%/năm đối với USD (giảm tiếp 0,2-0,5%/năm so với thời điểm cuối quý II-2020).

Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, đến nay VietinBank đã giải ngân cho hơn 7.000 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với doanh số hơn 180.000 tỷ đồng. Cùng với đó, VietinBank đã thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 1.700 khách hàng với dư nợ hơn 60.000 tỷ đồng…

Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) có chương trình “Ưu đãi lãi vay - Đánh bay Covid-19” triển khai từ nay đến hết năm 2020. Tổng Giám đốc LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn chia sẻ, chương trình được xây dựng nhằm giúp khách hàng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng. Trong đó, LienVietPostBank áp dụng lãi suất ưu đãi 7,5%/năm, với các khoản vay ngắn hạn phục vụ xuất, nhập khẩu, phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng.

Tiếp sức khách hàng thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) triển khai chương trình ưu đãi “Vay vốn kinh doanh - Lộc tài như ý”, điều chỉnh mức lãi suất vay từ 9,6%/năm xuống 8,4%/năm. Với khách hàng cá nhân đang có dư nợ, tùy theo từng trường hợp cụ thể, SHB điều chỉnh giảm lãi suất 3,5%/năm so với mức lãi suất vay thông thường. Đặc biệt, khách hàng cá nhân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam được giảm lãi suất lên tới 3,8%/năm và miễn phí trả nợ trước hạn. 

Với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), chương trình “Tiếp vốn kinh doanh - Vững mạnh tài chính” áp dụng lãi suất từ 5,99%/năm, thời gian ưu đãi lên đến 12 tháng. Đối tượng khách hàng được hỗ trợ là chủ cơ sở kinh doanh cần vốn để mua hàng hóa, nguyên vật liệu, máy móc hoặc cần bổ sung vốn lưu động đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong giai đoạn tới.

Các ngân hàng thương mại cổ phần khác như: An Bình (ABBANK), Đông Nam Á (SeABank), Việt Nam Thịnh vượng (VPBank)… cũng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó với nhiều chương trình thiết thực.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn về dòng tiền cũng như nguồn thu, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành giảm mặt bằng lãi suất cho vay; cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay các khoản nợ cũ. Mặt khác, doanh nghiệp cũng được giữ nguyên nhóm nợ để có điều kiện tiếp cận vốn vay mới. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, hạn chế chia cổ tức để có nguồn lực tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Doanh nghiệp mong được hỗ trợ nhiều hơn

VietinBank triển khai thêm nhiều chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 24-8-2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 268 nghìn khách hàng, với dư nợ gần 305 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 472 nghìn khách hàng, với dư nợ gần 1.183 nghìn tỷ đồng; cho gần 294 nghìn khách hàng vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến 0,5-2,5%/năm so với thời điểm trước dịch Covid-19), với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến nay đạt hơn 1.447 nghìn tỷ đồng.

Cho rằng nhiều doanh nghiệp đang từng bước vượt qua khó khăn nhờ các gói hỗ trợ của các ngân hàng, song ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Kết nối châu Âu (Eurolink - đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc và da giày) đề nghị, ngân hàng nên tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Bởi, với gói hỗ trợ tín dụng, có ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh được thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra và khả năng trả nợ. Đây là những việc rất phức tạp và mất nhiều thời gian…

Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cũng chia sẻ, hiện hầu hết doanh nghiệp du lịch không có doanh thu. Vì vậy, doanh nghiệp mong được trợ giúp bảo đảm tín chấp, duy trì thanh khoản dòng tiền giữa các doanh nghiệp, thông qua hệ thống ngân hàng. Còn Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân kiến nghị, Chính phủ tăng cường nguồn lực về con người và tài chính cho các Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Bảo lãnh tín dụng để doanh nghiệp có thêm kênh hỗ trợ.

Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ; triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt qua khó khăn. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng bám sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, hỗ trợ kích thích kinh tế nhưng phải bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát như mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cùng doanh nghiệp vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.