(HNM) - Không chịu thua kém các đồng minh trong cuộc đua khẳng định vị thế tại Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới, mấy ngày cuối tuần qua Thủ tướng Australia Tony Abbott đã thực hiện chuyến công du tới Ấn Độ và Malaysia.
Tuy chỉ diễn ra trong hai ngày (4 và 5-9), nhưng chuyến công du Ấn Độ của Thủ tướng T.Abbott đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước. Một trong những thành công nổi bật của chuyến thăm là sự kiện hai nước ký hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự. Khẳng định Australia là đối tác chiến lược quan trọng của Ấn Độ, Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi nhấn mạnh: Việc ký kết thỏa thuận này là một mốc lịch sử, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước… Được trông đợi kể từ khi hai nước bắt đầu đàm phán năm 2012 - sau khi Chính phủ Australia bãi bỏ lệnh cấm bán uranium cho Ấn Độ - thỏa thuận vừa được ký kết sẽ mở đường cho Australia cung cấp nguyên liệu hạt nhân cho quốc gia Nam Á này. Australia hiện chiếm khoảng 1/3 nguồn uranium có thể khai thác được của thế giới và xuất khẩu ở mức gần 7.000 tấn/năm. Vì thế, hiệp định vừa được ký kết sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đồng thời thừa nhận cam kết của Ấn Độ sử dụng năng lượng nguyên tử nhằm đạt được sự phát triển bền vững và tăng cường an ninh hạt nhân.
Thủ tướng Tony Abbott (trái) và Thủ tướng Narendra Modi đưa ra nhiều đề xuất thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược hai nước. |
Trong khuôn khổ chuyến thăm này lãnh đạo hai nước còn đạt được một loạt thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như quản lý nguồn tài nguyên nước, giáo dục và đào tạo… Phát biểu trước cuộc hội đàm với các đại diện doanh nghiệp ở thủ đô New Delhi, Thủ tướng T.Abbott bày tỏ mong muốn đạt được thỏa thuận tự do thương mại với Ấn Độ vào cuối năm 2016. Thế nhưng, mục tiêu này xem ra khó trở thành hiện thực bởi nhiều lý do khác nhau. Thực tế các cuộc thương lượng về tự do thương mại giữa Australia và Ấn Độ nhằm đạt thỏa thuận toàn diện được khởi động từ năm 2011. Canberra hy vọng một văn bản chung sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Australia sang Ấn Độ khi mức thuế quan và hàng rào thương mại của Ấn Độ - vốn thuộc hàng cao nhất thế giới - được giải quyết. Song các chính sách bảo hộ của Ấn Độ đã khiến nước này bị loại khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đã có nhiều dự đoán cho rằng, điều này sẽ thay đổi sau khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền với cam kết thúc đẩy nền kinh tế trì trệ thông qua những cải cách thị trường tự do. Đây là lý do khiến Australia hy vọng hai nước sẽ đạt được một thỏa thuận tự do thương mại trong tương lai.
Nếu như chuyến công du Ấn Độ của Thủ tướng Tony Abbott bàn thảo nhiều vấn đề đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược hai nước thì chuyến công du Malaysia hai ngày cuối tuần của ông T.Abbott lại tập trung vào những thỏa thuận hết sức cụ thể. Một chiến dịch trên biển quy mô lớn mới nhằm tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Hãng Hàng không Malaysia Airlines bị mất tích hôm 8-3 vừa qua sẽ được nối lại trong hai tuần tới. Đó là thông báo của Thủ tướng T.Abbott đưa ra tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp nước chủ nhà Najib Razak trong chuyến thăm Malaysia đầu tiên của người đứng đầu xứ sở Chuột túi sau khi nhậm chức hồi tháng 9 năm ngoái. Malaysia cho rằng, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1957, hai nước đã có mối quan hệ tốt đẹp bởi sự hợp tác thực chất, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục, quốc phòng, an ninh và giao lưu nhân dân. Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ chín của Australia. Tổng giá trị thương mại dịch vụ và hàng hóa hai chiều đạt mức gần 18 tỷ AUD vào năm 2013, tăng gần 15% kể từ năm 2010. Tổng đầu tư hai chiều Australia - Malaysia tăng hơn hai lần trong 3 năm qua, đạt giá trị 26 tỷ AUD vào năm ngoái.
Là một quốc đảo nằm ở nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, sự thịnh vượng của Australia gắn liền với giao thương bằng đường biển, trong đó có những con đường qua Đông Nam Á và khu vực bắc Ấn Độ Dương nối liền Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ với Châu Đại Dương. Do đó, Canberra luôn khẳng định có lợi ích trong việc duy trì hòa bình tại những vùng biển ở Châu Á - Thái Bình Dương. Thời gian qua, các tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại biển Hoa Đông và những hành động gây căng thẳng, trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông đã khiến vấn đề an ninh trở thành thách thức lớn nhất tại khu vực. Thông qua việc tăng cường hợp tác với Đông Nam Á và Ấn Độ, một quốc gia đang trỗi dậy mạnh mẽ, Australia không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn củng cố vị thế chiến lược tại khu vực trọng yếu này. Động thái đó cũng thúc đẩy sự lớn mạnh của mối liên kết Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm tạo những đối trọng cần thiết trong bối cảnh bàn cờ chính trị khu vực đã có nhiều biến động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.