(HNM) - Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV cho thấy, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Đây là tín hiệu tích cực, kết quả đáng khích lệ trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những tồn tại, hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đây là đòi hỏi cấp thiết, nhất là khi nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng trong bối cảnh tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, nhiều nền kinh tế lớn lao đao; trong nước thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khó lường. Trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2017, Chính phủ nhấn mạnh tới một số mục tiêu tổng quát, trong đó có tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 đã đạt những kết quả tích cực bước đầu. Thế nhưng, thẳng thắn nhìn nhận thì chưa đạt kết quả như mong muốn. Ngay cả việc tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính - ngân hàng, vốn được nói đến nhiều và dễ tưởng tượng cũng còn những vướng mắc chưa thể giải quyết rốt ráo. Việc tái cơ cấu các ngành sản xuất, dịch vụ; tái cơ cấu, xây dựng và phát triển vùng kinh tế… cũng còn không ít hạn chế, thậm chí còn chậm chạp hơn. Minh chứng rõ nhất, điển hình nhất là việc phát triển nông nghiệp tự phát, dẫn tới cùng một khu canh tác, hộ thì trồng lúa, hộ lại nuôi tôm dẫn đến vô tình “phá nhau”, gây thiệt hại kinh tế, mâu thuẫn xã hội, xa hơn là các vấn đề về môi trường sinh thái. Đó còn là hiện tượng các ngành, địa phương “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự liên kết, đem lại hiệu quả chung như đã từng được chính các đại biểu Quốc hội phản ánh… Một trong những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém là chưa thực sự tạo được nhận thức đầy đủ về tái cơ cấu, thậm chí ở nơi này, nơi kia xây dựng đề án tái cơ cấu mang tính hình thức…
Quyết liệt tái cơ cấu là yêu cầu bắt buộc, nhất là khi nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng. Tái cơ cấu sẽ giúp vận hành bộ máy hiệu quả, phù hợp hơn với “thể trạng” của mình, củng cố nội lực để phát triển, nhất là khi tình hình “nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn”. Tái cơ cấu hiệu quả sẽ phát huy được nội lực, không phải dựa vào “sức mượn”, từ đó mới có sự phát triển ổn định, bền vững. Nói thì đơn giản, nhưng thực hiện chắc hẳn không dễ dàng, bởi thay đổi thói quen, cách làm luôn rất khó. Nguyên nhân đã được Chính phủ, các đại biểu Quốc hội chỉ rõ.
Vấn đề đặt ra là trước hết phải có nhận thức đúng, đầy đủ về nhiệm vụ. Từ đó, sẽ có giải pháp, hành động sát thực, phù hợp, hiệu quả. Để tái cơ cấu hiệu quả, trước hết phải có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội. Bộ máy hành chính các cấp, các ngành phải thực sự làm tốt vai trò kiến tạo, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch để thu hút đầu tư. Như vậy, tái cơ cấu ở đây không chỉ đơn thuần về kinh tế. Khi đã xác định, ý thức và thực hiện tốt nhiệm vụ này thì mới thực sự củng cố được nội lực nền kinh tế, đủ sức để vươn xa hơn, khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Đáng mừng là, thời gian qua, Chính phủ đã có những giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt. Hình ảnh một Chính phủ kiến tạo ngày càng hiện hữu rõ nét. Khi “đầu tàu” đã chuyển động, chắc chắn cả hệ thống sẽ vận hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.