(HNM) - Tại buổi họp báo quý II-2014 diễn ra ngày 16-7, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ngành đã triển khai 3.399 cuộc thanh tra hành chính và 85.036 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với hơn 391.000 tổ chức, cá nhân.
Qua đó, lực lượng thanh tra đã phát hiện vi phạm 9.853,5 tỷ đồng, 1.082,4ha đất, đồng thời kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 6.818,2 tỷ đồng và 409,3ha đất. Cũng theo Thanh tra Chính phủ, cơ quan chức năng đã thu hồi được 3.789,9 tỷ đồng, đạt 55,6%. Truy cứu trách nhiệm, đã có 533 tập thể, 1.133 cá nhân bị kiến nghị xử lý...
Trước đó, tại buổi họp báo quý I năm nay diễn ra ngày 11-4, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong quý, ngành đã ban hành 8 kết luận thanh tra, qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế số tiền 1.173 tỷ đồng, 401ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách 542 tỷ đồng, 3,2ha đất; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền 631 tỷ đồng, 397,8ha đất...
Có thể thấy, trong một thời gian không dài, lực lượng thanh tra phải thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ, với hàng trăm nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ở hàng nghìn đơn vị, tổ chức… Một trong những thông tin dư luận đặc biệt quan tâm là con số sai phạm liên quan tài chính, đất đai. "Vi phạm 9.853,5 tỷ đồng, 1.082,4ha đất" là những con số vô cùng lớn. Đáng chú ý, tỷ lệ thu hồi về ngân sách nhà nước mới chỉ đạt 55,6%, cũng chưa thể nói là khả quan. Tại buổi họp báo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh khẳng định, ngành thanh tra quyết tâm bảo đảm hiệu lực kết luận thanh tra, bao gồm nội dung thu hồi tài sản sau thanh tra. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản còn rất nhiều vướng mắc, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chưa hết khó khăn. Chính vì vậy, điều mà người dân quan tâm hơn cả con số vi phạm được công bố là tỷ lệ thu hồi tài sản về ngân sách nhà nước.
Thực tế thì yếu tố quan trọng cấu thành nên ngân sách nhà nước chính là thuế, phí, lệ phí..., song đây cũng vốn là tiền đóng góp của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp. Còn đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước và thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Thế nên, cho dù ngành thanh tra có gặp rất nhiều khó khăn trong việc "bảo đảm hiệu lực kết luận thanh tra", đặc biệt là nội dung thu hồi tài sản thì đây vẫn luôn là một nhiệm vụ quan trọng, được dư luận và người dân hết sức quan tâm. Bởi lẽ, trong điều kiện nước ta vẫn còn nghèo, nhiều nguồn lực dành cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế nên một đồng cũng quý. Trong khi chúng ta còn phải đi vay thì không lẽ gì lại để sót, để lọt nguồn lực nội tại. Mặt khác, hiệu quả thu hồi còn phản ánh nỗ lực, quyết tâm của ngành thanh tra nói riêng, các cơ quan chức năng nói chung trong công cuộc đấu tranh với những sai phạm, trong đó có tệ nạn tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tỷ lệ thu hồi tài sản về ngân sách nhà nước sau khi thực hiện kết luận thanh tra càng cao thì đất nước càng có thêm nguồn lực để phát triển. Quan trọng hơn nữa, điều này sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tham nhũng - được ví như "kẻ thù nội xâm" của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.