Xã hội

Củng cố mạng lưới an sinh cho trẻ yếu thế

Mai Hoa 17/02/2025 - 08:26

Trong năm 2024, với việc huy động hơn 116 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 118 nghìn lượt trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã góp phần đáng kể trong việc bảo đảm mạng lưới an sinh xã hội, hỗ trợ cho trẻ em yếu thế. Để tiếp tục phát huy hiệu quả trong bối cảnh có nhiều thay đổi, việc sớm củng cố, ổn định mô hình hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam là yêu cầu cần thiết.

sin-chai.jpg
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp cùng nhà tài trợ trao quà, học bổng cho trẻ em nhân dịp khánh thành điểm trường thôn Vần Chải B, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, tháng 8-2024. Ảnh: Thu Minh

“Tận tâm, minh bạch, kịp thời, cùng tham gia”

Với phương châm “Tận tâm, minh bạch, kịp thời, cùng tham gia”, kể từ khi thành lập vào năm 1992 đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã và đang làm tốt vai trò, sứ mệnh là cầu nối giữa những tấm lòng vàng với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.

Đơn cử như cuối năm 2024, thầy trò Trường Tiểu học Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang phấn khởi khi khánh thành điểm trường tại thôn Vần Chải B, xã Vần Chải. Điểm trường này cách xa trụ sở trường chính 7-8 cây số. Thầy giáo Vàng Minh Dính, sinh năm 1990, đã có 8 năm gắn bó với điểm trường chính, 3 năm gắn bó với điểm trường thôn Vần Chải B, vui vẻ chia sẻ: “100% học sinh của trường đều là trẻ em dân tộc Mông, học lớp 1 và lớp 2. Nhờ có điểm trường mới khang trang, đầy đủ trang thiết bị học tập, các em chỉ phải đi bộ chừng 3 cây số, thay vì hàng chục cây số mới đến trường ở trung tâm xã. Công trình này cũng góp phần hỗ trợ các gia đình người dân bản địa yên tâm bám trụ vùng cao nguyên đá”.

Điểm trường thôn Vần Chải B chỉ là 1 trong hàng trăm công trình trường học, công trình nước sinh hoạt… do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp các nhà tài trợ xây dựng tại các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn cả nước, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ trẻ em yếu thế. Năm 2024, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã nỗ lực, đoàn kết, phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu Hội đồng Bảo trợ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhằm thực hiện hiệu quả, thắng lợi nhiệm vụ theo Chỉ thị số 28-CT/TƯ ngày 25-12-2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Kết quả, đã huy động được hơn 116 tỷ đồng (đạt 105% kế hoạch) và hỗ trợ cho hơn 118 nghìn lượt trẻ em (đạt 107,3% kế hoạch). Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã tổ chức các chương trình trao tặng xe đạp, học bổng, quà tặng bằng hiện vật cho khoảng 14.000 lượt trẻ em với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng.

Đạt được kết quả tích cực như vậy là từ rất nhiều nỗ lực và tâm huyết của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Họ luôn sẵn sàng lên đường đến những điểm trường, thôn, bản xa xôi, khó khăn nhất; tìm hiểu, khảo sát thực trạng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, huy động nguồn lực để hỗ trợ y tế, học tập, chăm sóc, bảo vệ trẻ em…

Những giải pháp cần thiết

Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đang gặp một số khó khăn trong quá trình hoạt động do chưa có văn bản hướng dẫn mô hình tổ chức, hoạt động (theo Điều 95 - Luật Trẻ em), gây lúng túng trong việc sắp xếp lại tổ chức. Cùng với đó, trong quá trình thay đổi bộ máy tổ chức (sáp nhập, tinh gọn, giảm đầu mối), cán bộ hệ thống Quỹ ở địa phương bị thay đổi nhiều, dẫn đến việc phối hợp triển khai các hoạt động đôi khi bị chậm trễ, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận động nguồn lực.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về nội dung này, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Đinh Tiến Hải bày tỏ: Thực tiễn hoạt động cho thấy giải pháp hàng đầu là Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tiếp tục giữ vị thế là Quỹ của Nhà nước trực thuộc Bộ, có Hội đồng Bảo trợ để chỉ đạo các hoạt động phục vụ mục tiêu ưu tiên về trẻ em trên toàn quốc. Giải pháp thứ hai cần chú trọng là hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em cần được củng cố, ổn định về mô hình hoạt động để bảo đảm mạng lưới an sinh cho trẻ em yếu thế cần bảo trợ. Giải pháp thứ ba, trong bối cảnh công nghiệp phát triển mạnh mẽ hiện nay, yêu cầu cấp thiết là phải thực hiện nhanh công tác chuyển đổi số trong hệ thống.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động trong công tác hỗ trợ trẻ em, nhiệm vụ huy động nguồn lực xã hội, khai thác nhà tài trợ mới tiếp tục được đặc biệt chú trọng. Đặc biệt, Quỹ cần tiếp tục đổi mới phương pháp vận động xã hội, ứng dụng các nền tảng công nghệ mới, kêu gọi vận động cộng đồng xã hội cùng tham gia. Thông qua khai thác các nền tảng truyền thông, mạng xã hội theo công nghệ 4.0, mục tiêu đặt ra là mở rộng khả năng huy động, tiếp cận nguồn lực xã hội nhanh, rộng và sâu. Cùng với việc tối ưu hóa các trang mạng xã hội của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, giải pháp tăng cường vận động xã hội bằng hệ thống tin nhắn điện thoại thông qua các nhà mạng di động cũng được triển khai đồng bộ...

Với tinh thần “hết lòng vì trẻ thơ” trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của đất nước, tập thể cán bộ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã và đang tiếp tục đổi mới nội dung, cách thức vận động cũng như cách thức hỗ trợ, huy động sức mạnh của toàn xã hội, cùng chung tay hỗ trợ, củng cố mạng lưới an sinh cho trẻ yếu thế, giúp các em có cơ hội phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củng cố mạng lưới an sinh cho trẻ yếu thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.