Theo dõi Báo Hànộimới trên

Củng cố hoạt động của HTX nông nghiệp: Việc cần làm ngay (tiếp)

Đỗ Tâm - Bạch Thanh| 02/10/2013 06:17

(HNM) - Trong quá trình hoạt động, vấn đề củng cố HTX NN đã được nhiều cấp chính quyền địa phương và bản thân HTX nhận thức được nên dù ít hay nhiều, cũng thường xuyên được tiến hành.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội Phạm Văn An, hiện thành phố đang triển khai việc này một cách tập trung, bài bản, với sự đồng thuận cao vì phù hợp với yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Điều đáng mừng là đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở đã có sự quan tâm sát sao, cụ thể hơn. Bản thân các HTX cũng nhận thức rõ hơn được ý nghĩa sống còn của việc phải chuyển đổi và qua thực hiện "Đề án củng cố" đã ý thức được cơ hội cải thiện, đổi mới tổ chức và hoạt động, từ đó tập trung vào các nội dung quan trọng như sửa đổi Điều lệ phù hợp với Luật HTX 2012, tổ chức xác định lại tư cách xã viên thông qua đồng vốn góp tự nguyện, xây dựng phương án sản xuất kinh - doanh dịch vụ phù hợp, hiệu quả…

Ban chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thụy Hương, huyện Chương Mỹ đánh giá năng suất lúa vụ mùa. Ảnh: Thúy Nga


Cho đến nay, chưa có con số chính xác số HTX NN đã củng cố song ngoài 18 HTX tại các xã điểm nông thôn mới (NTM) của 18/29 huyện, thị xã do Liên minh HTX TP chủ trì tư vấn, hỗ trợ thực hiện, nhiều HTX cũng đang tiến hành bằng cách này hay cách khác, toàn bộ hay từng bộ phận. Quá trình củng cố HTX tại nhiều địa phương cũng diễn ra khá sinh động: Huyện Sóc Sơn có 66 HTX NN tại 26 xã, thị trấn nhưng có những thời kỳ có tới 7 xã, thị trấn "trắng" HTX NN. Từ năm 2002 đến nay, huyện đã tiến hành giải thể 23 HTX yếu kém, khuyến khích thành lập mới các HTX chuyên ngành với quy mô khác nhau, không bó hẹp về địa giới hành chính như HTX Trang trại Sóc Sơn, HTX Rau hữu cơ Thanh Xuân, HTX Dịch vụ tổng hợp Mai Đình...

Với quy mô liên xã, có 60 xã viên tự nguyện góp vốn điều lệ, HTX Mai Đình đầu tư 12 máy cày, 6 máy gặt đập liên hợp và nhiều loại máy móc khác, chuyên đảm nhiệm dịch vụ làm đất, chăm sóc, bảo vệ thực vật và thu hoạch… giúp người dân sử dụng dịch vụ giảm được tới 1/3 chi phí sản xuất so với tự làm. HTX Đại Áng (Thanh Trì) tăng vốn góp tối thiểu từ 100.000 đồng lên 1 triệu đồng/xã viên, riêng cán bộ quản lý góp vốn 5 triệu đồng/người, nâng vốn điều lệ HTX từ 4,5 triệu lên 100 triệu đồng; HTX Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) trước đây có khoảng 5.000 xã viên không góp vốn, đến dịp củng cố vừa rồi đã có trên 1.000 xã viên đăng ký lại, tham gia HTX với mức góp vốn 1,5 triệu đồng/xã viên… Đây là nguồn tài chính "thực" và quan trọng để các HTX phát triển được các dịch vụ khác có hiệu quả.

Qua thực tế hoạt động, đã có một số HTX tỏ ra năng động, thích ứng với cơ chế mới, mở rộng phạm vi hoạt động, tổ chức thêm nhiều ngành nghề mới đạt hiệu quả cao như các HTX Đại Áng (Thanh Trì), Song Phượng (Đan Phượng), Số 1 Tây Tựu (Từ Liêm), Võng Xuyên (Phúc Thọ), Đa Tốn (Gia Lâm), Đình Trung (Đông Anh)… Tiêu biểu nhất phải kể đến HTX Triều Khúc (Thanh Trì) năm 2012 đạt doanh thu 37,3 tỷ đồng, nộp ngân sách 2 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2013, đạt doanh thu 24,1 tỷ đồng, nộp ngân sách 1,15 tỷ đồng, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/xã viên/tháng. HTX Dương Liễu (Hoài Ðức) doanh thu năm 2012 đạt trên 21 tỷ đồng, nộp ngân sách xấp xỉ 600 triệu đồng, thu nhập người lao động bình quân 2,4 triệu đồng/người/tháng…

Quan điểm chỉ đạo về củng cố, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX của thành phố Hà Nội là kiên quyết giải thể các HTX chưa chuyển đổi hoặc không có khả năng chuyển đổi, HTX đã chuyển đổi nhưng không hoạt động hoặc tồn tại hình thức; tập trung chấn chỉnh các HTX hoạt động không đúng theo quy định của Luật HTX, xác định lại tư cách xã viên, đăng ký lại xã viên và vốn góp ; hợp nhất các HTX quy mô thôn, liên thôn hoạt động kém hiệu quả thành các HTX quy mô xã để tăng tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động. Các HTX NN cần nghiên cứu chuyển hướng hoạt động theo mô hình kinh doanh, dịch vụ tổng hợp đa ngành, mở rộng phát triển các ngành nghề dịch vụ mới để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của xã viên và người nông dân, đề cao giá trị tinh thần, tính cộng đồng, tương trợ lẫn nhau của người dân trên địa bàn dân cư.

Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Hà Nội (2003-2013) cũng nêu rõ: Thành phố sẽ tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc tồn tại như nợ đọng, đất đai, tài sản, nhà xưởng, tài chính… xây dựng những nội dung hoạt động, cơ sở pháp lý của HTX kiểu mới phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật hiện hành; ưu tiên hỗ trợ các HTX có đủ điều kiện thực hiện một số nội dung trong chương trình xây dựng NTM tham gia các chương trình phát triển KT-XH trên địa bàn; hỗ trợ các HTX NN đẩy mạnh việc chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là về giống, đưa cơ giới hóa vào sản xuất cũng như các công nghệ sinh học, bảo quản chế biến, thông tin... Đây sẽ là động lực để các HTX NN tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển gắn với quá trình xây dựng NTM, thực hiện được mục tiêu tối đa hóa lợi ích của xã viên, người nông dân và thật sự là tổ chức dẫn dắt nông dân ra với thị trường có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củng cố hoạt động của HTX nông nghiệp: Việc cần làm ngay (tiếp)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.