(HNM) - Những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng cùng sự thiếu quan tâm của một số gia đình đang tạo nên kẽ hở để ma túy len lỏi vào môi trường học đường. Sự chung tay, vào cuộc của gia đình, cộng đồng là rất cần thiết để cùng lực lượng chức năng ngăn chặn hiểm họa này.
Nhiều thủ đoạn tinh vi tiếp cận giới trẻ
Đầu tháng 11-2020, kiểm tra cặp sách cháu nội đang học lớp 8, ông N.T.A ở phường Định Công (quận Hoàng Mai) phát hiện trong đó có “gói lạ”. Mang đi kiểm tra, ông N.T.A mới biết là ma túy dạng kẹo thuốc lá đang được bán tại các cổng trường. Theo Thượng tá Phạm Ngọc Anh, Phó Trưởng Công an quận Hoàng Mai, kẹo thuốc lá có bao bì giống như thuốc lá thật, vừa ăn vừa có thể nhả khói, vị ngọt thơm. Dùng loại kẹo này một thời gian, học sinh sẽ bị nghiện...
Trước đó, bóng cười, nấm thức thần… cũng đã len lỏi tới các cổng trường và hiện vẫn có nhiều nguy cơ gây nghiện cho học sinh. Riêng về nấm thức thần, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Giám định ma túy của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho biết, đối tượng sử dụng loại nấm này sẽ có ảo giác hoang mang, sợ hãi đỉnh điểm, dễ bị kích động.
Đáng lo ngại hơn, việc mời gọi các bạn trẻ dùng thử từ kẹo thuốc lá, nấm thức thần cùng nhiều loại ma túy khác đang được thực hiện tinh vi trên môi trường mạng xã hội. Theo chỉ dẫn của H.N.Q, học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên), hiện trên mạng xã hội Facebook, Instagram, Telegram có các nhóm kín, các trang cá nhân liên tục mời gọi các bạn trẻ dùng thử kẹo thuốc lá, nấm thức thần cùng nhiều loại ma túy khác kèm những tư vấn cụ thể về cách sử dụng để đạt được “good trip - chuyến đi ảo giác vui vẻ”. Điều này đánh đúng tâm lý tò mò, muốn khám phá bản thân của giới trẻ, có thể khiến nhiều em sử dụng ma túy.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các đối tượng buôn bán ma túy có nhiều thủ đoạn lừa học sinh vào cảnh nghiện ngập. Rõ nhất là việc nhiều loại ma túy thế hệ mới được bào chế thành những viên kẹo bắt mắt hay được trộn vào bánh quy, đồ uống. “Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc ma túy do ăn bánh có trộn cần sa”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết.
Ngoài ra, các đối tượng còn dùng nhiều thủ đoạn tinh vi khác như hòa tan ma túy tổng hợp vào thuốc lá điện tử hay phun vào thuốc lào để đánh lừa học sinh, sinh viên.
Theo Tiến sĩ Đào Thanh Hải, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), việc này có thể “qua mặt” các bậc phụ huynh, tránh né được sự kiểm tra của lực lượng chức năng, nhưng rất dễ dàng đầu độc thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Cùng chung tay ngăn chặn
Ma túy len lỏi vào học đường, ngoài những nguyên nhân khách quan cũng còn bởi những nguyên nhân chủ quan.
Thiếu tá Nguyễn Việt Quân, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (Công an quận Cầu Giấy) nhận định, việc một số gia đình buông lỏng quản lý, ít quan tâm sâu sát đến con em cũng là một trong những lý do khiến các em dễ sa ngã, bị đối tượng xấu rủ rê sử dụng các loại ma túy trá hình…
Để ngăn chặn vòi “bạch tuộc ma túy” len lỏi vào học đường, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Pascal (quận Bắc Từ Liêm) Lê Thị Bích Dung cho rằng, cần có sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong việc tuyên truyền. Từ đó, nâng cao ý thức của các bậc phụ huynh, học sinh về tác hại của các loại ma túy, nhất là ma túy mới và cách thức tiếp cận giới trẻ của các đối tượng buôn bán ma túy.
Còn Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) Đỗ Vân Long chia sẻ, nên có những mô hình giám sát, cảnh báo để giúp giới trẻ có thêm thông tin, tránh xa ma túy. “Hiện trên địa bàn xã Tân Triều có nhiều mô hình “dòng họ tự quản” tuyên truyền, bảo ban con cháu tránh xa ma túy, cờ bạc và tệ nạn xã hội. Những mô hình này đã, đang góp phần cùng chính quyền địa phương ngăn chặn hiểm họa ma túy xâm nhập học đường”, ông Đỗ Vân Long nói.
Đại tá Trương Thọ Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, Ban Giám đốc Công an thành phố đã yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ. Trong đó, công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm ma túy. Từ đầu năm 2020, công an thành phố phối hợp với các trường đã tổ chức 31 buổi tuyên truyền về nội dung này cho hơn 15.000 học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.
"Cùng với đó, lực lượng công an sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn để phát hiện các đối tượng buôn bán, tàng trữ các mặt hàng ma túy trá hình tại khu vực gần trường học”, Đại tá Trương Thọ Toàn cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.