Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cùng chăm lo thế hệ tương lai

Bắc Vũ| 20/01/2021 06:01

(HNM) - Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được các cấp, ngành, địa phương xem là chính sách ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm an sinh xã hội. Nổi bật là các hoạt động trợ giúp, tư vấn cho trẻ em tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí… Ở góc độ gia đình, dù điều kiện, mức độ đầu tư còn chênh lệch theo vùng, miền, song hầu hết các gia đình đều dành những điều kiện tốt nhất cho con trẻ được phát triển đầy đủ, toàn diện nhất.

Tuy vậy, nhìn vào con số hơn 1 triệu trẻ em vẫn phải lao động sớm; tình trạng xâm hại, bạo lực học đường, trẻ em đuối nước và tai nạn thương tích vẫn cho thấy đây là những vấn đề còn nhức nhối trong xã hội. Điều đáng lo ngại là, những hiện tượng này diễn ra không chỉ trong môi trường xã hội, trên môi trường mạng, mà ở ngay trong chính gia đình các em…

Không một ai mong muốn những điều không hay xảy đến với con em mình, nhưng thực tế công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn đó những hạn chế cần khắc phục, trong đó, việc cần bàn đến là nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng. Theo đó, các cấp, ngành chức năng, địa phương phải đặc biệt chú trọng công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội để tạo sự chuyển biến về nhận thức của cộng đồng và trong từng gia đình, cá nhân về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Các chiến dịch truyền thông càng xác định được đối tượng cụ thể bao nhiêu, thì hiệu quả càng được nâng cao bấy nhiêu. Với mỗi đối tượng - cha mẹ, trẻ em, ông bà, họ hàng… cần có nội dung và hình thức tuyên truyền thích hợp, sao cho gần gũi, dễ hiểu và thiết thực, tránh tuyên truyền chung chung, mang tính khẩu hiệu hoặc “thời vụ”. Những nội dung về pháp luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cần được cụ thể hóa, gắn với những ví dụ thực tế, tình huống sinh động; những kiến thức cần được chuyển tải thành những kỹ năng đơn giản, dễ áp dụng.

Cùng với đó là phải dành nguồn lực thích đáng cả về vật chất, tinh thần cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tiếp tục xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bảo vệ trẻ em tại cơ sở; thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ trẻ em theo các cấp độ phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ. Đồng thời tiếp nhận, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; không để vụ việc trẻ em bị xâm hại tồn đọng, kéo dài…

Trong môi trường giáo dục cũng luôn phải đề cao tính an toàn, lành mạnh, thân thiện và ngăn chặn triệt để bạo lực học đường; tiếp tục triển khai có hiệu quả việc xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng, đạo đức nhà giáo; xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử giữa cán bộ, giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh…

Nhìn từ góc độ pháp lý, đạo đức cũng như truyền thống thì gia đình có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Hơn ai hết, cha mẹ và người thân của trẻ là những người gần gũi nhất, nắm bắt nhanh và rõ nhất tâm tư, tình cảm của trẻ, từ đó có cách ứng xử phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần phát huy tốt hơn vai trò của người làm cha, làm mẹ, đồng hành cùng trẻ trong cuộc sống, chăm sóc và bảo vệ con em mình tránh khỏi những tệ nạn, bạo lực cả trên môi trường mạng lẫn ngoài đời.

Trẻ em phải được thực sự an toàn, phải được phát triển toàn diện. Gia đình, nhà trường và toàn xã hội hãy chung sức cùng chăm lo cho trẻ em, cũng là vun đắp cho tương lai của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cùng chăm lo thế hệ tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.