Vụ “Người Trung Quốc gom đất gần sân bay”, vẫn chưa rõ mục đích sử dụng đất. Cục Thuế Đà Nẵng đang kiểm tra việc họ có đóng thuế, công bố số liệu hay không...
Các khu đất dọc sân bay Nước Mặn có chủ nhưng nhiều năm không xây dựng, phía trong là nơi đậu máy bay quân sự - Ảnh: V.Hùng |
Bốn doanh nghiệp thu gom đất ven sân bay Nước Mặn có cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc đứng tên gồm Công ty TNHH Silver Sea Triệu Nghiệp, Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ Nguyên Thịnh Vượng, Công ty TNHH thương mại du lịch & dịch vụ V.N.HO.LI.DAY, Công ty TNHH TM&DV Diệp Phúc Lợi.
Liên quan đến tình trạng hoạt động và làm nghĩa vụ thuế của bốn doanh nghiệp này, cục trưởng Cục Thuế TP Đà Nẵng Trần Văn Miên cho biết Cục Thuế đang kiểm tra việc họ có đóng thuế, công bố số liệu hay không, chứ bây giờ họ tự kê khai thôi.
Việc công bố số liệu phải theo luật, cái nào đang trong quá trình điều tra, thanh tra thì không được công bố số liệu, chỉ khi nào kết thúc mới công bố.
*Liên quan đến việc người Trung Quốc mang danh nghĩa doanh nghiệp Việt Nam mua gom đất tại Đà Nẵng, chúng tôi ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia.
* Tiến sĩ Đỗ Văn Đại(trưởng khoa luật dân sự
Trường đại học Luật TP.HCM):
Đây là hành vi
lách luật
Đã từng có trường hợp tòa án xử một vụ tranh chấp phát sinh giữa hai đương sự cùng là chủ của một doanh nghiệp. Một bên là người Việt Nam đứng tên mở công ty, một bên là thành viên góp vốn người nước ngoài. Hai bên tranh chấp liên quan đến tài sản là đất đai mà doanh nghiệp đó mua.
Phía thành viên nước ngoài tranh chấp đòi quyền sử dụng, định đoạt với số đất của doanh nghiệp đã mua. Tuy nhiên tòa án đã bác yêu cầu của đương sự người nước ngoài vì người nước ngoài không được mua, sở hữu đất đai tại Việt Nam.
Vì thế, thay vì trực tiếp đứng ra mua thì người nước ngoài nhờ người Việt Nam lập doanh nghiệp để hợp thức hóa việc mua đất, gom đất để thực hiện các ý định riêng của mình.
Đây là hành vi lách luật. Tuy nhiên về bản chất thật sự thì người nước ngoài mới là người chi phối, sử dụng, định đoạt đất đai đó thông qua doanh nghiệp Việt Nam. Vì quy định pháp luật là cấm nên việc lách luật cũng là không hợp pháp.
Quy định cấm trên cần được hiểu là cấm người nước ngoài trực tiếp mua đất hoặc thông qua các doanh nghiệp Việt Nam mà người nước ngoài có phần vốn. Bởi thông qua doanh nghiệp Việt Nam mua đất thì bản chất vẫn không thay đổi là người nước ngoài mua đất, là người dân đang bán đất cho nước ngoài.
Điểm này Nhà nước cần làm rõ, quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn việc người nước ngoài lách luật thu gom đất tại Việt Nam. Nếu không ngăn chặn bằng quy định pháp luật thì sẽ không bảo đảm hiệu lực pháp luật trong thực hiện chính sách quản lý nhà nước về đất đai.
Nguy hiểm hơn là chúng ta cũng không kiểm soát được việc người nước ngoài sử dụng đất vào các mục đích của họ có thể trái với lợi ích chung của chúng ta.
* Công chứng viên
Hoàng Mạnh Thắng(trưởng Phòng công chứng 7, TP.HCM):
Ngăn ngừa việc tích tụ đất với ý đồ riêng
Pháp luật hiện hành không quy định việc đứng tên giúp với bất động sản. Như thế có nghĩa ai đứng tên mua đất, nhà hợp lệ thì mặc nhiên người đó là chủ sở hữu.
Đương nhiên, biện pháp trói buộc giữa bên nhờ mua với bên được nhờ đứng tên mua như thế nào, người được nhờ có lật kèo hay không... còn tùy thuộc vào hai bên đó. Dĩ nhiên, người đã bỏ nhiều tiền ra nhờ đứng tên mua giúp đất thì họ có nhiều biện pháp để xử lý việc bị lật kèo, kể cả biện pháp không hợp pháp.
Việc đứng tên mua giúp đất có ba khả năng xảy ra. Thứ nhất là trốn thuế thu nhập cá nhân khi sang nhượng lại đất. Thứ hai là khả năng tham nhũng, tiêu cực từ cán bộ nhờ người khác đứng. Khả năng thứ ba là người nước ngoài nhờ người Việt đứng tên mua gom đất, tích tụ đất, thậm chí là tại các vị trí nhạy cảm mới đáng ngại. Đây là khả năng cần phải ngăn ngừa.
Hiện nay Bộ luật dân sự 2005 và cả Bộ luật dân sự sửa đổi sẽ có hiệu lực vào năm 2017 cũng để ngỏ quy định nhằm hạn chế việc mua bán dẫn đến tích tụ đất đai có các ý đồ riêng.
Nếu không có biện pháp căn cơ (quy định pháp luật, tài chính...) để hạn chế, ngăn chặn tình trạng tích tụ đất đai dễ dàng như thế thì nguy cơ đất đai thâu tóm trong tay người nước ngoài ngày càng lớn là dễ thấy trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.