Chia sẻ về tình huống xử lý của cảnh sát bị tài xế xe tải đâm và kéo lê 20m, trung tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông, cho rằng đó là tình huống bất đắc dĩ vì không ai muốn cược mạng sống của mình.
- Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng tài xế chống người thi hành công vụ thậm chí lao xe chèn qua người cảnh sát rồi kéo lê hơn 20m như vừa xảy ra trên quốc lộ 5 vừa qua?
- Thời gian gần đây, việc tài xế chống đối cảnh sát giao thông diễn ra rất phổ biến và đặc biệt ở các tỉnh thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Tại Hà Nội, tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng có 4-5 vụ trong hơn một tháng, khiến nhiều chiến sĩ bị gãy chân, gãy tay hay bị thương tật tới trên 50%.
Vụ việc hôm 11/12 được xem là nghiêm trọng nhất. Tài xế xe tải quá liều lĩnh, ngoài chống người thi hành công vụ, vi phạm trật tự an toàn giao thông, còn cố tình không đưa người bị thương đi cấp cứu, thậm chí có thể xem xét vào tội cố ý tước đoạt mạng sống của người khác.
Tất cả sự việc đều có thể được giải quyết và xử lý theo quy định của pháp luật, từ việc rất đơn giản là dừng xe để xử lý hành chính. Tuy nhiên, tài xế xe tải đã cố tình bỏ chạy, bất chấp nguy hiểm cho mình và người khác, đẩy sự việc đi quá xa, không dừng lại ở việc xử lý hành chính nữa.
Xe tải bỏ chạy sau khi hất cảnh sát giao thông xuống đất. Ảnh: Sơn Dương |
- Có cách nào xử lý tốt hơn là việc bám vào cần gạt nước, đu trên đầu xe tải?
- Theo Luật giao thông và những hướng dẫn về tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông, khi làm nhiệm vụ trên đường, phát hiện xe vi phạm cảnh sát phải kiên quyết dừng và xử lý. Vì thế việc dừng xe của cảnh sát là đúng quy định, vừa để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa đảm bảo an toàn cho các phương tiện khác lưu thông trên đường.
Trong tình huống này, khi dừng xe xử lý, cảnh sát không thể nắm rõ được ý thức chủ quan của tài xế xe tải. Khi lái xe bất chấp tính mạng của người khác, ở khoảng cách quá gần, cảnh sát không thể tránh kịp và chỉ còn 3 lựa chọn. Một là nhảy ra ngoài; hai là bám vào cần gạt nước và ba là chui xuống gầm. Đây là tình huống cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, không ai muốn đánh đổi tính mạng của mình nên việc bám vào cần gạt nước trên đầu xe chỉ là bất đắc dĩ.
Đơn cử trường hợp mới đây trên đường Giải Phóng, một chiến sĩ thuộc Đội cảnh sát giao thông số 14 Công an Hà Nội chặn taxi vi phạm chạy tốc độ cao và bị tài xế lái xe tông thẳng vào người. Lúc đó cảnh sát chỉ có một lựa chọn là nhảy để tránh nhưng vẫn bị tông gãy chân. Rõ ràng tình huống bắt buộc cảnh sát phải phản ứng, làm tròn nhiệm vụ bảo vệ nhân dân và ngăn chặn hành vi vi phạm.
Trường hợp cảnh sát giao thông bám vào cần gạt nước xe tải theo trung tá Nhật chỉ là bất đắc dĩ. Ảnh: Phương Sơn |
- Để hạn chế rủi ro, gặp tình huống tài xế chống đối, cảnh sát giao thông nên xử lý như thế nào?
- Việc dừng xe và giải quyết tình huống chống người thi hành công vụ được quy định rõ trong Thông tư hướng dẫn của Bộ Công an. Ví dụ trường hợp lái xe không chấp hành, phóng xe bỏ chạy, tổ tuần tra kiểm soát phải nhanh chóng ghi lại đặc điểm của xe, thông báo cho các tổ cảnh sát giao thông đang làm việc trên tuyến, báo cáo cho lãnh đạo để tổ chức ngăn chặn.
Tùy theo loại xe, tính chất mức độ vi phạm, tổ tuần tra quyết định biện pháp phù hợp. Việc ngăn chặn phải đảm bảo an toàn cho tổ công tác và người tham gia giao thông trên đường. Đặc biệt, trong trường hợp truy đuổi bằng ôtô, môtô, tổ tuần tra phải giữ tốc độ an toàn, phải dùng loa còi báo động, yêu cầu bằng hiệu lệnh. Với trường hợp lái xe cố tình chèn ép tổ tuần tra, có dấu hiệu của tội phạm thì được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.
- Theo ông, nguyên nhân nào khiến tình trạng chống đối cảnh sát giao thông gia tăng cả về số vụ và mức độ liều lĩnh?
- Hiện nay nhiều tài xế ôtô ý thức rất kém và coi thường pháp luật. Số tài xế hội tụ đủ 3 yếu tố quan trọng của người lái xe như ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng lái xe và đạo đức còn hạn chế. Nhiều lái xe tải không có đủ 3 yếu tố này, hễ có tai nạn là bỏ chạy, thậm chí xuống xe gây gổ đánh nhau...
- Việc trang bị công cụ hỗ trợ cho cảnh sát giao thông đáp ứng như thế nào so với yêu cầu công việc?
- Hiện nay vũ khí và công cụ hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực thế, đặc biệt tại các trung tâm như Hà Nội và TP HCM. Ví dụ hiện nay, mỗi cảnh sát khi tuần tra đều được trang bị súng, gậy điều khiển và dùi cui.
Tuy nhiên, hành lang pháp lý về việc cho phép sử dụng súng và công cụ hỗ trợ chưa được cụ thể, đơn cử như còn quy định chưa rõ về thời điểm nổ súng của cảnh sát, khi nào được nổ súng, dẫn đến việc lưỡng lự trong giải quyết vụ việc nghiêm trọng trên đường.
Do vậy luật cần quy định rõ việc này để lực lượng vừa phòng vệ chính đáng và không vượt quá giới hạn mà vẫn giữ an toàn cho bản thân, tính mạng cho người dân vừa trấn áp được tội phạm.
Gần đây Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ chống đối người thi hành công vụ và lái xe đâm trực diện vào cảnh sát giao thông. Vào cuối tháng 10, trên đường Giải Phóng (Hà Nội), tài xế taxi Phạm Đức Ân (35 tuổi, ở Bắc Giang) chạy quá tốc độ, vượt sai quy định, không chấp hành hiệu lệnh bị dừng xe, đã tông trực diện làm một cảnh sát không kịp tránh và gãy chân. Gần đây nhất vào ngày 12/12, tại ngã ba Sài Đồng - quốc lộ 5, thượng úy Nguyễn Quốc Đạt, Đội Cảnh sát giao thông số 5 Công an Hà Nội, phát hiện ôtô tải biển Hưng Yên va chạm với xe Toyota Vios nên ra hiệu dừng xe. Tuy nhiên, tài xế tăng ga bỏ chạy, khiến thượng úy Đạt phải bám vào cần gạt nước, nằm trên capo. Tài xế liên tục đánh võng trên quãng đường 200m, hất nạn nhân xuống đất khiến bánh sau chèn qua người và kéo lê 20m. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.