(HNM) - Cuốn truyện tranh
Đây là tác phẩm mới nhất của họa sĩ truyện tranh Tạ Huy Long. Sinh năm 1974, nhà ở phố Hàng Bồ, hành trình qua tuổi ấu thơ của Huy Long đồng hành cùng những "tháng năm tem phiếu" thời bao cấp với tiếng tàu điện leng keng sớm khuya..., 82 trang truyện tranh, in màu về một cậu bé sống tại Hà Nội thời bao cấp phần nhiều là câu chuyện về chính tác giả.
Truyện tranh "Cửa sổ" do NXB Thế giới và Nhã Nam |
Những ai đã từng đến với triển lãm "Ngày xưa tôi là…" (2009) hay "Tôi vẽ tôi" (2012), thân thuộc với những nét vẽ minh họa cho cuốn "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài hẳn sẽ nhận ra người họa sĩ này có quá nhiều hoài niệm và luôn đau đáu về tuổi thơ "bắt dế". Và "Cửa sổ" là sự tiếp nối những câu chuyện của anh với những nhân vật "châu chấu", "dế mèn" ấy. Đó là câu chuyện của một cậu bé sống trong khu phố cổ chật chội của Hà Nội. Ban ngày, ngoài thời gian đi học, cậu bị nhốt trong nhà khi bố mẹ đi làm. Thế giới của cậu lướt qua cái cửa sổ bé tí tẹo. Rồi cậu thấy một chú châu chấu khổng lồ có đầu người đến đón cậu bay lên bầu trời, dạo chơi khắp nơi, khám phá thành phố của mình…
Bối cảnh của câu chuyện là những năm tám mươi của thế kỷ trước, bởi vậy, những độc giả ở độ tuổi này hoàn toàn đồng cảm với nhân vật và tìm thấy mình ở đó. Các chi tiết trong truyện được tác giả đưa vào khá ấn tượng, tạo cảm giác thân thuộc với ai đã từng trải qua thời kỳ bao cấp. Đó là những căn nhà ống chật hẹp, cũ kỹ, những phòng ở được ngăn vách, cơi nới tạm bợ. Là những vật dụng sinh hoạt mang dấu ấn của thời kỳ này, từ cái ca, mâm nhôm, phích nước…; rồi thì đường tàu điện tỏa ra khắp các tuyến phố, bách hóa tổng hợp Tràng Tiền ngạo nghễ một thời, những chiếc xe đạp cũ kỹ. Đó còn là những khu chợ, nơi người dân không chỉ mua bán mà còn hỏi han, trò chuyện "trên giời dưới bể", hỏi nhau xem sự kiện phi công Phạm Tuân bay vào vũ trụ diễn ra thế nào... Nhưng truyện tranh của Tạ Huy Long không đơn giản "tả thực" và kể lại những gì đã diễn ra. Cách vẽ tranh có gì đó "ma mãnh", mơ hồ khó nắm bắt như khi anh thể hiện đôi cánh mỏng tang của con châu chấu, những chi tiết về hồn ma đứa bé trên cửa sổ hay những con vật hình thù kỳ quái đã khiến cho "Cửa sổ" thêm huyền bí, có sức tải dự cảm về cuộc sống bên trong và bên ngoài những khung cửa nhỏ.
Nhưng, trên tất thảy, qua toàn bộ cuốn sách với kết thúc mở, người xem vẫn cảm nhận được tình yêu lấp lánh của một người đàn ông 40 tuổi đối với Hà Nội, với không gian mình đang sống. Anh tả những điều đã trải qua và muốn chia sẻ nó với mọi người: "Tôi chỉ muốn tìm tiếng nói đồng cảm thông qua cuốn sách".
Ở một khía cạnh khác, thú vị không kém mà người đọc có thể trải nghiệm với cuốn "Cửa sổ", đó là thưởng thức tranh. Tác giả Tạ Huy Long không chọn cách vẽ truyện tranh trên máy tính theo xu hướng hiện đại, mà vẫn tỉ mẩn từng đường nét với cây cọ, trang giấy và màu nước sở trường. Sử dụng màu sắc linh hoạt, đường vẽ thoáng, có chút mơ màng, huyền bí, mỗi bức tranh là một tác phẩm hội họa thực sự, hoàn toàn có thể đóng khung, treo tường như một tác phẩm độc lập về một góc Hà Nội xưa. Càng thích thú hơn, như chính họa sĩ tâm sự trong lời đề tựa cuốn sách "tôi bay được và bay qua cái cửa sổ đó, bay rất cao và nhìn cả Hà Nội trải ra bên dưới" thì với những bức vẽ trong "Cửa sổ", có thể nhiều người lần đầu tiên được thả sức tưởng tượng một Hà Nội thời bao cấp nhìn từ trên cao.
Vào 18h ngày 19-1, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội), họa sĩ Tạ Huy Long sẽ có buổi trò chuyện về chủ đề của cuốn sách mới này: "Cửa sổ - Cái nhìn lạ về một Hà Nội quen".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.