Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cửa mở, nhưng… hẹp

Hà Phong| 18/12/2010 06:51

Các kiến nghị của Đoàn giám sát với cơ quan chức năng:


Chế độ bảo trợ xã hội chưa “bao” hết các đối tượng khó khăn.   Ảnh: Thái Hiền


So với các nghị định trước đây của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội, Nghị định 67 có nhiều đổi mới như chế độ, chính sách trợ giúp, mức trợ cấp được nâng lên; đồng thời đối tượng thụ hưởng cũng được mở rộng (gồm 9 nhóm đối tượng) nên số trường hợp thuộc diện được xét duyệt tăng đáng kể. Theo quy trình, sau khi các địa phương khảo sát, lập danh sách để các tỉnh, TP báo cáo trung ương phê duyệt và cấp kinh phí, Sở LĐ,TB&XH hướng dẫn các huyện thẩm định lại, lập hồ sơ quản lý và trên cơ sở đó UBND huyện được phân cấp ký quyết định chi trả chế độ.

Tuy nhiên, theo điều tra của Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam tại 8 xã, phường thuộc Hà Nội, Thái Bình, Đắc Lắc, Trà Vinh, việc duyệt đối tượng hưởng chế độ BTXH ở hầu hết các địa phương đều không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ LĐ,TB&XH. Điển hình là Thái Bình - 5 năm mới xét hộ nghèo một lần (giai đoạn từ năm 2004-2009) khiến nhiều người bị tai nạn, ốm đau không được giúp đỡ kịp thời. Hà Nội cũng "từ chối" xét trợ cấp xã hội cho NCT không có hộ khẩu ở Thủ đô, mặc dù Bộ LĐ,TB&XH đã hướng dẫn thực hiện. Tại một số xã của tỉnh Đắc Lắc, việc cấp thẻ bảo hiểm y tế chậm trễ. Ở Trà Vinh, chính quyền địa phương quá cứng nhắc khi chỉ công nhận NCT cô đơn là NCT không có con. Do những lý do trên, có một số cụ cho đến khi về với tổ tiên vẫn không được hưởng chế độ.

Hệ quả của lối làm tắt

Mặc dù theo quy định hiện hành, mỗi đối tượng hưởng chế độ BTXH phải có danh sách riêng, do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định. Tuy nhiên, đoàn giám sát của Trung ương Hội NCT Việt Nam nhận thấy không ít các quận, huyện chỉ có một quyết định chung, kèm theo danh sách của tất cả các đối tượng, nên rất khó quản lý. Điển hình là ở huyện Krông Păk - Đắc Lắc, có cụ chỉ được giữ cuốn sổ nhận tiền chứ không được cầm quyết định hưởng trợ cấp xã hội. Do vậy, nhiều người không biết là mình được hưởng chế độ từ khi nào.

Ngoài ra, các địa phương cũng chưa thực hiện công khai niêm yết danh sách đối tượng được thụ hưởng chế độ chính sách để người dân giám sát. Công tác rà soát của cán bộ chuyên trách lại lỏng lẻo, nhiều trường hợp áp dụng không đúng hệ số thụ hưởng của đối tượng BTXH... Trong khi đó, các đợt kiểm tra của HĐND, Đảng ủy, MTTQ chỉ nặng về nghe báo cáo mà thiếu kiểm chứng, lại không tìm hiểu thông tin từ chính người hưởng trợ cấp.

Vì vậy, có đến 13% cán bộ LĐ,TB&XH chưa nắm chắc hết các nội dung của Nghị định 67, thậm chí, một số ít còn hiểu sai về nghị định dẫn đến xem nhẹ quy trình xét duyệt đối tượng, hồ sơ, thủ tục cấp phát tiền... Tiền lương và phụ cấp cho đội ngũ làm công tác này lại quá thấp, người tốt nghiệp ĐH chỉ được nhận 660 nghìn đồng/tháng (Trà Vinh) nên không ít trường hợp chẳng mấy mặn mà trong công việc. Đối với khu vực miền núi thì việc triển khai lại càng khó khăn hơn.

Chưa vươn hết đến các đối tượng khó khăn

Theo sát các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, TƯ Hội NCT Việt Nam còn thấy, các tiêu chí xác định 9 nhóm đối tượng BTXH của Nghị định 67 chưa vươn tới hết những cụ đang gặp bất trắc.... Theo bà Phạm Tuyết Nhung - Phó ban Đối ngoại, nhiều người già bị lẫn hoặc nhiễm HIV, nhưng không được trợ cấp xã hội do không phải hộ nghèo, mặc dù các gia đình này đều có hoàn cảnh rất thương tâm. Mặt khác, hiện vẫn còn không ít địa phương đang rất khó xét hỗ trợ các trường hợp "người bị tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ" vì chưa có hướng dẫn chi tiết.

Trên địa bàn các xã thuộc tỉnh Thái Bình đang còn nhiều cụ nghèo khó, túng quẫn, ăn bữa nay không biết bữa mai ra sao vì phải nuôi con nhiễm HIV, bị tàn tật nhưng lại không hội đủ điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chính quyền địa phương cũng muốn giúp nhưng lực bất tòng tâm, đành để hồ sơ qua bên, chờ các quy định mới bổ sung của nghị định.

Bà Nhung cho rằng, những bất cập nêu trên nằm trong hàng loạt khó khăn mà hầu hết địa phương trên cả nước gặp phải khi triển khai thực hiện Nghị định 67. Và rõ ràng, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan từ chính sự hướng dẫn thiếu chi tiết, không đồng bộ, chưa kịp thời của Bộ LĐ,TB&XH thì chính cường độ công việc nhiều, trong khi lực lượng cán bộ quá mỏng, hiếm chế độ ưu đãi… phần nào lý giải chuyện chậm trễ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi này của Chính phủ thời gian qua.

Các kiến nghị của Đoàn giám sát với cơ quan chức năng:

Mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như NCT phải nuôi con, cháu bị nhiễm HIV/AIDS, chất độc da cam…

Giảm bớt thủ tục về hồ sơ, giấy tờ và xét duyệt cho các cụ trên 80 tuổi và những người ốm đau nặng, bị tâm thần.

Chính quyền và cán bộ LĐ,TB&XH phải giúp đỡ làm hồ sơ và lập hội đồng xác nhận cho các trường hợp thiếu giấy tờ có lý do chính đáng.

Cần nâng chuẩn nghèo lên vì chuẩn nghèo hiện nay quá thấp.

Cải thiện chế độ cho cán bộ LĐ,TB&XH.

Thành lập tổ giám sát thực hiện các chính sách BTXH của Hội NCT để bảo vệ quyền lợi NCT...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cửa mở, nhưng… hẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.