(HNM) - Quan hệ Islamabad - Washington, hai đồng minh chiến lược trong cuộc chiến chống khủng bố tại Nam Á đã có những
Binh lính Pakistan rút sự hiện diện tại biên giới giáp Afghanistan để đáp trả việc Mỹ cắt giảm 800 triệu USD viện trợ an ninh. |
Sau những điều qua tiếng lại về vụ tiêu diệt trùm khủng bố nêu trên, Washington đã đình chỉ vô thời hạn khoản viện trợ trị giá 800 triệu USD cho quân đội Pakistan, với lý do được Chánh văn phòng Nhà Trắng Bill Daley nêu ngày 10-7 rằng, Pakistan đã có "một số bước đi" khiến Mỹ có lý do để ngừng khoản viện trợ này. Mặc dù không nói rõ "một số bước đi" đó là gì, nhưng giới thạo tin khẳng định, đây là phản ứng của Washington trước quyết định trục xuất hơn 100 quân nhân Mỹ cũng như từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho các sĩ quan quân đội Mỹ trước đó của Islamabad. Dường như với Pakistan, Mỹ đang hình thành cách tiếp cận mới: "những củ cà rốt" sẽ ít đi.
Quyết định cắt giảm 800 triệu USD, tương đương với 1/3 khoản viện trợ an ninh hàng năm của Mỹ cho Pakistan được xem là một hành động bất ngờ, khiến quốc gia Nam Á khó có thể xoay sở kịp khi ngân sách chi tiêu cho quân đội của Islamabad trong năm tài chính 2010-2011 đã tăng 1,27 tỷ USD so với năm trước (đạt 6,41 tỷ USD). Do đó, những phản ứng của Pakistan cũng như sự hiện diện của Giám đốc cơ quan tình báo Pakistan (ISI), Trung tướng Ahmad Shuja Pasha tại Washington trong tuần là không khó hiểu. Trung tướng A.S.Pasha đã có cuộc gặp quyền Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Michael Morell và thông tin về cuộc gặp chưa được tiết lộ. Trước đó, ngày 12-7, ngay sau khi Mỹ cắt giảm 800 triệu USD viện trợ, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Chaudhry Ahmad Mukhtar tuyên bố sẽ rút binh sĩ đang triển khai tại gần 1.100 điểm kiểm soát dọc biên giới Pakistan - Afghanistan với nhiệm vụ ngăn chặn hoạt động qua lại biên giới bất hợp pháp. Đây được xem là một đáp trả của Islamabab với Washington về khoản viện trợ bị cắt giảm.
Việc cắt giảm binh sĩ có thể chỉ là bước lùi đầu tiên trong chuỗi hợp tác chống khủng bố của Islamabad với Washington. Điều này được cho là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực, bởi dải biên giới hai quốc gia Nam Á này, nơi được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Pannetta khẳng định là tập trung "đầu não" của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, trong đó có thủ lĩnh Al-Zawahiri. Do đó, cuộc triệt thoái quân đội tại đây của Islamabab dự báo tình trạng bất ổn sẽ ngày một gia tăng. Sự vắng bóng quân đội Chính phủ Pakistan sẽ không chỉ thật sự biến vùng biên giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á thành cứ địa, mà còn có thể tạo bàn đạp để các phần tử khủng bố vươn tới những mục tiêu xa hơn. Hẳn đây là điều Nhà Trắng không mong đợi.
Quan hệ giữa Mỹ và đồng minh đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến chống mạng lưới al-Qaeda và tàn quân Taliban tại các khu vực bộ tộc ở Pakistan, giáp biên giới Afghanistan rơi vào bất ổn đang tạo một khoảng trống nguy hiểm. Sự kiện trùm khủng bố Osama bin Laden ẩn náu nhiều năm sâu trong lãnh thổ Pakistan bị Mỹ đột kích tiêu diệt đã khiến nhiều nghị sĩ Mỹ đặt câu hỏi về giá trị của chính sách Washington viện trợ an ninh cho Islamabad. Trong khi đó, vụ Mỹ "qua mặt" nước chủ nhà Pakistan tiêu diệt trùm khủng bố al-Qaeda khiến người dân tại quốc gia Nam Á này nổi giận. Họ cho rằng Mỹ đã xâm phạm chủ quyền Pakistan...
Khi bất đồng chưa được giải quyết, động thái bất ngờ của Mỹ đã và đang đẩy quan hệ Washington - Islamabab ra khỏi vùng nồng ấm. Đây là cú vấp không mong đợi giữa hai đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố tại Nam Á và cuộc hóa giải hẳn sẽ không thể dễ dàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.