(HNM) - Mùa tuyển sinh vừa qua, một số chính sách ưu tiên nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã được áp dụng.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, mỗi năm có khoảng 4.000 chỉ tiêu cử tuyển cho các địa phương song chỉ thực hiện được khoảng 3.000 chỉ tiêu. Từ năm 2007 đến nay, hình thức đào tạo cử tuyển không đạt chỉ tiêu đề ra và có xu hướng ngày càng thấp. Năm 2007, các địa phương đã xét duyệt và cử đi học ở mức 89,7% so với chỉ tiêu, đến năm 2010 chỉ còn 71,6%. Năm 2007, có 50 tỉnh, thành phố đăng ký chỉ tiêu cử tuyển, đến tháng 9-2011 thì chỉ còn 32 tỉnh đăng ký. Theo Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu đạt thấp do các địa phương phải tự chi trả kinh phí đào tạo, trong khi chi phí cho công tác này ngày càng tăng.
Những học viên cử tuyển tại Học viện Quân y. Ảnh: Thái Hiền
Theo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội, sau khi tốt nghiệp, trên 80% học sinh, sinh viên trở về công tác theo sự điều động và phân công của địa phương. Tuy nhiên, theo TS Phan Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, việc thực hiện chính sách này ở một số nơi còn lúng túng. Một số địa phương chưa gắn kết quy hoạch cán bộ với việc tạo nguồn tuyển sinh. Khâu lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo chưa cụ thể, sự phối hợp thực hiện giữa các cấp chính quyền chưa chặt chẽ nên việc tuyển sinh đào tạo hằng năm còn thụ động, lại phân bổ không đều. Thời gian giao triển khai thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh ngắn trong khi quy trình xét duyệt, tuyển chọn học sinh cử tuyển phải qua nhiều khâu phức tạp, dẫn đến một số địa phương không bảo đảm chất lượng nguồn cử tuyển. Việc khó bảo đảm chất lượng đầu vào, như TS Phan Văn Hùng đề cập, đã dẫn tới nhiều cái khó cho các cơ sở đào tạo tiếp nhận đối tượng cử tuyển.
Các trường muốn có chuẩn
Những trường đào tạo các ngành có chỉ tiêu cử tuyển lớn nhất là y - dược và sư phạm bức xúc nhiều nhất với chất lượng của hệ này. Trong số các chỉ tiêu được cử tuyển, ngành sư phạm chiếm tỷ lệ cao nhất (26,3%), tiếp đến là ngành y (24,8%), kinh tế (17,3%), kỹ thuật (15,5%) và thấp nhất là nhóm ngành nông - lâm (11,2%). Để bảo đảm chất lượng đào tạo, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh cho biết nhà trường từ chối đào tạo hệ cử tuyển và chuyên tu. Các trường y - dược khác phải tiếp nhận đối tượng này thì cho rằng: Mặc dù có hẳn một năm để học dự bị song hầu hết thí sinh diện cử tuyển không theo kịp thí sinh hệ chính quy. Với kiến thức hạn chế, việc ngồi trên giảng đường ĐH đã là quá sức với nhiều sinh viên cử tuyển, chưa nói tới việc được đào tạo ở các ngành đòi hỏi học lực cao, kỹ năng đặc biệt như ngành y, sư phạm vốn cần sàng lọc khắt khe từ đầu vào.
Việc tổ chức học riêng cho sinh viên cử tuyển được nhiều người nghĩ tới, song không dễ thực hiện. Lãnh đạo Trường ĐH Y Hải Phòng cho biết, không thể mở một lớp riêng vì lượng sinh viên diện này chỉ đếm trên đầu ngón tay mỗi khóa. Việc học thêm, dạy thêm cho các em cũng được các trường quan tâm, song vì năng lực có hạn nên khi thi với hệ chính quy các em vẫn trượt. Tình trạng phải kéo dài thời gian học tới 2-3 năm vì không đạt yêu cầu là rất phổ biến.
Mặc dù là cử tuyển, song theo nhiều chuyên gia, các địa phương vẫn cần có chuẩn nhất định khi tuyển sinh vào một số ngành như ngành y và sư phạm. Hiệu trưởng Trường dự bị ĐH dân tộc Sầm Sơn cho rằng, không phải vô cớ mà nhiều địa phương phân vân khi tiếp nhận người tốt nghiệp từ hệ này và đề nghị nên đặt một mức tuyển chọn nào đó để phân loại ứng viên hệ cử tuyển. Những học sinh không đủ khả năng theo học ở bậc ĐH thì không nên cử đi học, mà tốt nhất là được tạo điều kiện cho họ theo học tại các trường dự bị ĐH.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Mã Điền Cư cho rằng, quy trình cử tuyển cần được thống nhất lại về cách làm. Có thể sử dụng nguồn cử tuyển là các thí sinh đã tham gia các kỳ thi ĐH, CĐ nhưng thiếu điểm vào trường, như vậy mới có cơ sở đánh giá thực lực của người học. Còn theo TS Phan Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Nhà nước nên thành lập Học viện Dân tộc để chuyên đào tạo cán bộ nguồn, nguồn nhân lực chất lượng cao cho các vùng dân tộc ít người, miền núi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.