(HNM) - Dự thảo Báo cáo chính trị của Thành ủy đã được xây dựng công phu với tinh thần trách nhiệm, tính chiến đấu cao nên có chất lượng cao. Đặc biệt, phần thứ hai về phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu và những vấn đề trọng tâm phát triển Thủ đô giai đoạn 5 năm 2015-2020 đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, có cơ sở khoa học và tính khả thi, xứng với vị thế của Thủ đô.
Chúng tôi nhất trí và đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo về hình thức và nội dung văn bản. Với tinh thần trách nhiệm và xây dựng theo tư tưởng chỉ đạo nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị của TƯ là "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật…", chúng tôi xin được tham gia đóng góp một số ý kiến sau.
I. Về hình thức văn bản
Đề nghị cần thống nhất trong toàn bộ văn bản những cụm từ viết tắt hoặc viết đầy đủ như: "Cán bộ, công chức, viên chức" hay "CBCCVC"; thống nhất viết "các đoàn thể nhân dân" hay "các đoàn thể chính trị - xã hội".
Trong văn bản, từ "cho" được dùng nhiều, có thể do thói quen của thời kỳ bao cấp, cơ chế "xin, cho", thể hiện sự "ban ơn"; đề nghị trong dự thảo này và từ nay trở đi, các văn bản nên hạn chế tối đa dùng từ "cho" mà nên thay bằng từ khác. Ví dụ: Nên thay cụm từ "…phát triển nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên, nhà ở cho các đối tượng chính sách.." bằng cụm từ "… phát triển nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên, nhà ở của các đối tượng chính sách…" hoặc "...cải thiện nhà ở cho người dân…" được thay bằng cụm từ "… cải thiện nhà ở của người dân…"; hoặc "…tạo điều kiện cho các vận động viên tài năng tham gia thi đấu…" thay bằng cụm từ "…tạo điều kiện để các vận động viên tài năng tham gia thi đấu…"; cụm từ "…nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn…" nên thay bằng "… nhất là dạy nghề đối với lao động nông thôn.." hoặc "…cải thiện đời sống tinh thần, vật chất cho các đối tượng chính sách…" bằng cụm từ "…cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của các đối tượng chính sách…" …
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) đã chính thức viết hoa cụm từ "Nhân dân" với tư cách là một chủ thể trong câu văn như viết hoa đối với cụm từ "Đảng", "Nhà nước"; không chỉ thể hiện về mặt hình thức, đó chính là sự đổi mới về thái độ trân trọng, đánh giá cao vai trò của "Nhân dân". Với tinh thần đó, chúng tôi đề nghị Báo cáo chính trị của Thành ủy và các văn bản tới đây cần thực hiện điều đó.
II. Về nội dung
Kết quả và những thành tựu của Đảng bộ đạt được trong 5 năm qua là rất đáng trân trọng; tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được và những mặt đã có chuyển biến tiến bộ bước đầu, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, tồn tại, thậm chí có những việc, lĩnh vực, địa phương, đơn vị còn yếu kém và bất cập, chưa tương xứng với vị thế của Thủ đô, như trong công tác xây dựng quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch đô thị, xây dựng, đất đai; vấn đề trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, nếp sống văn minh đô thị; công tác cải cách hành chính; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đạo đức, trách nhiệm, năng lực, trình độ của không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp… Một số việc chưa thực sự phát huy dân chủ, triển khai còn chủ quan, đơn giản, nóng vội, thiếu kiểm tra, giám sát nên hiệu quả thấp, thậm chí gây tác động xấu đến uy tín và lòng tin của nhân dân. Đề nghị Báo cáo chính trị của Thành ủy cần kiểm điểm sâu sắc hơn về những mặt tồn tại, yếu kém và hạn chế, nhất là những nguyên nhân chủ quan về nhận thức, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là vai trò tiền phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm của người đứng đầu các cấp.
Về phương hướng, đề nghị cần tách nội dung "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và quyền làm chủ của nhân dân Thủ đô" thành một mục riêng (mục XIII), không nên đưa gộp và đưa vào phần cuối của công tác chính quyền như dự thảo văn kiện hiện nay. Đồng thời cần nhấn mạnh và cụ thể hơn nữa về vai trò của MTTQ, các đoàn thể nhân dân trong công tác xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội, nhất là giám sát đối với cán bộ, đảng viên, công chức ở địa bàn dân cư; giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri. Cần đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận, MTTQ và các đoàn thể; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ này có bản lĩnh chính trị, năng lực nghiệp vụ, sâu sát cơ sở và nhân dân; quan tâm, bảo đảm điều kiện để MTTQ thực sự là tổ chức liên minh chính trị và là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.