Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cụ thể hóa tinh thần “công khai, minh bạch”

Hà Phong| 01/09/2012 06:20

(HNM) - Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) dự kiến được cho ý kiến và biểu quyết thông qua ngay ở kỳ họp Quốc hội cuối năm nay đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, có nhiều điểm trong dự thảo do Thanh tra Chính phủ soạn thảo chưa nhận được ý kiến đồng thuận cao. Sau khi nghiên cứu, tiếp thu, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đã trao đổi với báo chí về hướng sửa Luật PCTN mới nhất.

- Tinh thần "công khai, minh bạch" sẽ được cụ thể hóa thế nào trong việc sửa đổi Luật PCTN sắp tới để những chế định về kiểm soát thu nhập, kê khai tài sản, quy hoạch, tổ chức cán bộ… không còn là những quy phạm chỉ mang tính minh bạch trên giấy, thưa ông?

- Công khai, minh bạch là mục tiêu, đòi hỏi tất yếu để PCTN đạt hiệu quả. Quá trình tổng kết 5 năm thi hành Luật PCTN đã chỉ rõ những bất cập trong công khai, minh bạch… Vì vậy, quan điểm, nguyên tắc của việc sửa đổi Luật PCTN lần này đặc biệt nhấn mạnh đến việc tiếp tục nâng cao chất lượng các thiết chế phòng ngừa tham nhũng, nhất là việc đẩy mạnh công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền, gắn với trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như: kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đầu tư, xây dựng, phát triển không gian... sẽ được công khai minh bạch. Ảnh: Khánh Nguyên

- Người dân mong muốn có nhiều điểm đột phá mạnh mẽ hơn về biện pháp phòng ngừa như quy định việc kê khai tài sản, thu nhập và trách nhiệm giải trình với những tài sản tăng thêm. Là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi lần này, Thanh tra Chính phủ sẽ cụ thể hóa những quy định nào về vấn đề trên?

- Thanh tra Chính phủ đang tổng kết việc thực hiện Luật PCTN, làm cơ sở xem xét những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Những vấn đề mà báo chí quan tâm, đề cập, Thanh tra Chính phủ cũng rất lưu ý, đặc biệt là công tác phòng ngừa tham nhũng. Trong đó, yêu cầu công khai minh bạch những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí cũng là một nội dung được cộng đồng xã hội, nhân dân, các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm rất nhiều. Hướng tới đây sẽ công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công khai quy hoạch đầu tư, xây dựng, phát triển không gian, đặc biệt là ở các khu đô thị lớn; công khai trong quy trình đầu tư, mua sắm tài sản công; công khai trong việc cấp phép khai thác, quản lý khai thác khoáng sản; công khai trong quy hoạch phát triển rừng ở những địa phương có rừng…

- Trong dự thảo Luật PCTN sửa đổi, Thanh tra Chính phủ đề xuất mở rộng diện kê khai tài sản, thu nhập tới tất cả các đảng viên đang công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trừ những đảng viên đã nghỉ hưu hoặc là nông dân. Căn cứ vào đâu để đề xuất như vậy, thưa ông?

- Tôi cho rằng, việc kê khai tài sản, thu nhập là một hoạt động rất bình thường, nếu đã có tài sản, thu nhập thì đối tượng nào cũng có thể kê khai được và cứ kê khai đàng hoàng. Khi chúng ta hoàn toàn minh bạch, việc kê khai, công khai tài sản hoàn toàn có thể tiến hành được. Tuy nhiên, để quản lý đối tượng cán bộ thuộc diện kê khai, cần phải bàn thêm về lộ trình, thời gian, thời điểm và nội dung thích hợp.

- Có ý kiến cho rằng việc mở rộng diện đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập không quan trọng bằng việc làm sao để việc kê khai, công khai tài sản của các cán bộ lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo chủ chốt hiện nay đi vào thực chất, chứ không mang tính hình thức như thời gian qua?

- Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc kê khai tài sản, thu nhập đối với những cán bộ lãnh đạo giữ vị trí quan trọng là cần thiết và những việc đó sẽ được đưa vào luật và các nghị định, văn bản hướng dẫn cụ thể. Và từ đó, chúng ta sẽ đưa ra chế tài để xử lý những trường hợp kê khai không đúng quy định.

- Kê khai tài sản, thu nhập không phải bây giờ mới đặt ra mà thực tế đã tiến hành nhưng không hiệu quả vì không công khai. Để khắc phục hiện tượng trên, trong Luật sửa đổi, bổ sung lần này, cơ quan soạn thảo tính đến việc công khai thế nào để người dân có thể giám sát hoạt động kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức?

- Việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập là cần thiết, đối tượng kê khai hẳn là những cán bộ có chức có quyền, giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước nên càng cần phải công khai. Đó là ý kiến mà chúng tôi đề xuất. Còn cụ thể chắc chắn sẽ còn nhiều tranh luận, bàn cãi và mong trong thời gian tới sẽ có những đề xuất đầy đủ, sáng tạo hơn nữa. Chúng ta cần thiết kế như thế nào đó để tránh tình trạng có những bất cập trong việc công khai.

- Nhiều ý kiến đề xuất quy định niêm yết công khai bản kê khai tài sản cả ở khu dân cư, nơi cư trú để tăng hiệu lực giám sát đối với một số nhóm đối tượng, chẳng hạn người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

- Tôi nghĩ đây cũng là chuyện hết sức bình thường. Nếu chúng ta càng minh bạch, càng rõ ràng thì công khai đến tận người dân là việc rất tốt, người dân càng dễ thực hiện giám sát. Tuy nhiên, cũng còn phải tùy thuộc vào từng giai đoạn, thời điểm và đánh giá tác động từng bước thận trọng để tránh tình trạng có những bất cập trong việc công khai không được rõ ràng mà các điều luật chưa tính đến hết.

- Trong trách nhiệm giải trình đối với tài sản tăng thêm, có những quốc gia xử lý rất nặng, ngoài trưng thu còn có thể khởi tố hình sự về hành vi tham nhũng. Vậy trong xây dựng luật lần này ý tưởng của chúng ta theo hướng nào?

- Đây là vấn đề hết sức quan trọng và nhạy cảm. Thanh tra Chính phủ đang xây dựng lộ trình để giải quyết. Điều này cũng nằm trong những nội dung mà Thanh tra Chính phủ đang đề xuất, xin ý kiến Chính phủ, Bộ Chính trị.

- Xin cảm ơn ông.

Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

(HNM) - Ngày 31- 8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hội thảo hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (ban hành năm 2005), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng, việc kê khai tài sản của người có chức quyền thời gian qua chưa đem lại hiệu quả bởi không có quy định rõ ràng về quy trình xác minh tài sản cũng như trách nhiệm của những người liên quan đến quá trình kê khai tài sản. Một trong những bất cập nữa, do Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ phát hiện, là thay vì quy định phải kê khai "nguồn thu nhập" để từ đó phát hiện nguy cơ tham nhũng thì luật lại chỉ yêu cầu kê khai "tổng thu nhập". Bên cạnh đó, luật chưa có điều khoản nào hạn chế tình trạng những người có chức, có quyền nhờ người thân đứng tên tài sản.

Để khắc phục những hạn chế trên, các đại biểu đề xuất cần bổ sung quy định về giám sát cộng đồng đối với hành vi tham nhũng; đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng bỏ cơ chế xin - cho và tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Bách Sen
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cụ thể hóa tinh thần “công khai, minh bạch”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.