Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cụ thể hóa chính sách “tái cân bằng”

Thùy Dương| 14/08/2014 06:28

(HNM) - Một thỏa thuận lịch sử giữa Mỹ và Australia vừa được thiết lập. Đó là cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Australia 25 năm nữa.


Tại hội nghị tham vấn (2+2) - ngoại giao và quốc phòng Australia - Mỹ (AUSMIN 2014) - giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel với hai người đồng cấp Australia là Ngoại trưởng Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston ngày 12-8, hai bên nhất trí kế hoạch bố trí máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tại căn cứ không quân gần thành phố Darwin ở phía Bắc Australia. Mỹ sẽ tăng gấp đôi số nhân viên quân sự Mỹ tại căn cứ gần thành phố Darwin, lên đến 2.500 người. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí việc tăng cường hợp tác quân sự cũng như các đề xuất thiết lập hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo rộng lớn hơn để bảo vệ các đồng minh của Mỹ tại khu vực Châu Á. Phát biểu trước sự kiện đặc biệt này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh, liên minh Mỹ - Australia là "hòn đá tảng" đối với sự ổn định ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Quan chức Mỹ - Australia tham gia hội nghị AUSMIN 2014 tại Sydney (Australia) ngày 12-8.



Việc Washington mở rộng hiện diện quân sự ở Australia được "bật đèn xanh" hồi tháng 6, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Australia Tony Abbott nhất trí về các vấn đề, trong đó có chi phí xây dựng thêm cơ sở, doanh trại ở Darwin. Thỏa thuận về bố trí lực lượng giữa Mỹ - Australia vừa đạt được sẽ cung cấp một cơ chế mở cho những hoạt động quân sự rộng hơn của Mỹ tại Australia. Theo các nhà phân tích, Mỹ đã xác định Australia là một địa bàn quan trọng cho các hoạt động cấp khu vực. Các thỏa thuận trên sẽ khiến việc nâng cấp căn cứ để tạo thuận lợi cho hoạt động của không quân Mỹ từ phía Bắc Australia chỉ còn là vấn đề thời gian. Các hạm đội Mỹ cũng sẽ sử dụng căn cứ hải quân Stirling gần thành phố Perth ở Tây Australia và triển khai máy bay do thám, máy bay không người lái trên quần đảo Cocos tại Ấn Độ Dương. Căn cứ Stirling rất quan trọng với các hoạt động của tàu ngầm nguyên tử Mỹ và Australia sẽ là bàn đạp cho các cuộc tấn công hải quân và không quân Mỹ tại cả Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.

Không khó để nhận thấy, thỏa thuận hợp tác quốc phòng mà hai nước mới đạt được thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng như sự ủng hộ của Australia đối với chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Thỏa thuận này cũng là tiền đề để Mỹ và Australia triển khai các hoạt động mở rộng hợp tác với các nước khác trong khu vực. Rõ ràng, bước đi mới giữa hai nước sẽ ràng buộc mạnh mẽ hơn nữa Australia với kế hoạch quân sự của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương và không loại trừ sẽ làm phức tạp hơn quan hệ Bắc Kinh - Canberra sau sự kiện gây căng thẳng mới đây của Trung Quốc tại Biển Đông.

Hiện tại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Trung Quốc chiếm khoảng 20% giá trị xuất khẩu của nước này. Nhờ vậy, nền kinh tế Australia tránh được ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hiện Canberra đang có điều kiện vừa không "phản bội" nước Mỹ mà vẫn duy trì được hoạt động thương mại và xây dựng quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc. Tuy nhiên, về lâu dài Australia có thể phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa liên minh với Mỹ để có vai trò lớn hơn trong các vấn đề an ninh Châu Á hoặc phải theo đuổi chính sách hòa hoãn với Bắc Kinh để ổn định nền kinh tế.

Dẫu vậy, phát biểu với báo chí bên lề hội nghị tham vấn, Ngoại trưởng Australia J.Bishop cho biết thỏa thuận cho phép Mỹ triển khai quân đến Australia không nhằm kiềm chế Trung Quốc. Trong khi đó, Ngoại trưởng J.Kerry khẳng định Mỹ và Australia hoan nghênh Trung Quốc trỗi dậy trở thành cường quốc kinh tế, Mỹ không tìm kiếm đối đầu với Trung Quốc và hy vọng Trung Quốc trở thành đối tác của Mỹ.

Như vậy, với AUSMIN vừa khép lại một lần nữa khẳng định sự đóng góp quan trọng của liên minh Washington - Canberra với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như vai trò ứng phó với những thách thức trong khu vực và toàn cầu. Đặc biệt đây còn là một bước tiếp theo quan trọng trong cấp độ tiếp cận và hiện diện ngày càng gia tăng của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Australia; đồng thời là một trong những bước triển khai cụ thể chính sách "tái cân bằng" của chính quyền Tổng thống B.Obama với một Châu Á đầy năng động và hứa hẹn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cụ thể hóa chính sách “tái cân bằng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.