(HNM) - Sắc đỏ gần như bao trùm toàn bộ thị trường chứng khoán toàn cầu, đồng nội tệ của hàng loạt quốc gia trên thế giới giảm mạnh, trong khi giá vàng tăng cao cùng với những đồn đoán không mấy sáng sủa về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Quyết định "điều chỉnh" tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD hai lần liên tiếp (ngày 11 và 12-8) của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã gây "sốc" trên thị trường tài chính toàn cầu 48 giờ qua.
Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá NDT tác động lớn tới thị trường tài chính toàn cầu. |
Trong lần điểu chỉnh ngày 12-8 của PBoC, tỷ giá đồng NDT tiếp tục giảm thêm 1,6% so với đồng USD, sau lần giảm tới 1,9% trong ngày 11-8 - đợt giảm sâu nhất trong 20 năm trở lại đây. Theo tỷ giá mới nhất của PBoC, hiện 1 USD đổi được 6,3306 NDT. Có nhiều lý do khiến PBoC bất ngờ "phá giá" đồng NDT. Trong đó có việc đất nước tỉ dân muốn thúc đẩy xuất khẩu và việc giảm tỷ giá đồng nội tệ so với đồng bạc xanh được cho là "con đường" thu lợi ngắn nhất.
Quyết định "phá giá" của PBoC được đưa ra trong bối cảnh tháng 7 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu tính bằng đồng USD của Trung Quốc giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, phá vỡ mọi dự báo của giới quan sát. Nền kinh tế nước này chỉ đạt mức tăng trưởng 7% trong quý II năm nay, chậm nhất trong 6 năm, dưới tác động cùng lúc của thị trường bất động sản trì trệ, nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu và xuất khẩu suy giảm.
Từ tháng 11 năm ngoái đến nay, PBoC đã 4 lần cắt giảm lãi suất nhằm cứu tăng trưởng. Vì thế, hành động mới đây của PBoC buộc nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi: Liệu Trung Quốc có tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế theo hướng tăng cường vai trò của tiêu dùng nội địa và giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu hay không?
Trước khi đưa ra quyết định gây "sốc", PBoC đã hỗ trợ tỷ giá đồng NDT nhằm ngăn chặn việc tháo vốn và khuyến khích sử dụng đồng NDT trên toàn cầu. Việc hỗ trợ tỷ giá cũng là một nỗ lực của PBoC nhằm đưa đồng NDT vào giỏ - SDR - Quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) như một trong số các đồng tiền dự trữ của thế giới. Thế nhưng, trong thông báo mới nhất, IMF cho biết còn quá sớm để ra quyết định cuối cùng về đồng NDT có được vào giỏ định giá SDR của tổ chức này hay không. Nếu đồng NDT vào giỏ dự trữ ngoại tệ của IMF sẽ không chỉ góp phần nâng cao vị thế tài chính toàn cầu của Trung Quốc mà còn khuyến khích ngân hàng trung ương các nước quan tâm đến đồng tiền này. Vì thế, cú điều chỉnh tỷ giá vừa được Bắc Kinh thực hiện được cho là bước đi chiến lược của Bắc Kinh trong nỗ lực tạo vị thế đồng NDT trên thị trường tài chính toàn cầu.
Như một phản ứng dây chuyền, các thị trường chứng khoán Châu Á như Hong Kong, Thượng Hải (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản) và các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ đã đồng loạt "trượt" giá mạnh. Trong khi đó, giá dầu trên thị trường Mỹ giảm xuống mức kỷ lục trong hơn 6 năm qua, đang làm dấy lên quan ngại về "sức khỏe" của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong nỗ lực nhằm trấn an thị trường, PBoC khẳng định, các diễn biến tỷ giá của NDT như trên là bình thường; đồng thời bác bỏ những đồn đoán rằng tỷ giá này sẽ tiếp tục giảm. Thế nhưng, giới chuyên gia tài chính cho rằng, đây có thể là sự khởi đầu cho một đợt mất giá kéo giá của đồng NDT theo chủ ý của Bắc Kinh.
Chỉ trong hai ngày, đồng NDT đã mất giá 3,5%, giáng một đòn mạnh vào những tài sản có độ rủi ro cao trên toàn cầu. Điều đó lý giải vì sao cổ phiếu, tiền tệ và hàng hóa toàn cầu cùng chịu áp lực bán tháo trong những giờ qua. Đã xuất hiện mối lo ngại về việc ngân hàng trung ương của nhiều nước sẽ theo chân Bắc Kinh làm mất giá đồng nội tệ để "bù đắp" thiệt hại khi Trung Quốc phá giá đồng NDT. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, đồng nội tệ của nhiều nước Đông Nam Á sẽ "chịu trận" nhiều nhất. Bởi NDT bị "phá giá" sẽ gia tăng áp lực khiến các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á phải phá giá đồng nội tệ để giữ thế cạnh tranh với Trung Quốc.
Các hãng hàng không Trung Quốc và các nhà sản xuất xe hạng sang của Châu Âu chịu ảnh hưởng đầu tiên sau cú "trừng phạt" của PBoC. Ngược lại, hưởng lợi từ đồng NDT xuống giá đương nhiên là các nhà xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc cần cân bằng giữa sự cần thiết phải thúc đẩy xuất khẩu với nguy cơ tháo chạy của các dòng vốn. Vì theo ước tính, cứ 1% giảm xuống trong tỷ giá thực tế của đồng NDT sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu của nước này tăng thêm 1 điểm phần trăm với độ trễ là 3 tháng. Ngược lại, tỷ giá giảm 1% sẽ khiến 40 tỷ USD vốn bị rút khỏi Trung Quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.