Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cú “phản pháo” đốt nóng Vùng Vịnh

Trung Hiếu| 05/01/2010 06:44

(HNM) - Mỹ và phương Tây đã có cú "phản pháo" đầu tiên về "tối hậu thư" được đưa ra ngày 2-1 của chính quyền Tổng thống Iran Mamút Amađinêgiát đòi phương Tây phải chấp nhận thỏa thuận trao đổi urani trong vòng một tháng hoặc nước này sẽ tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân.

Ngay lập tức, từ Oasinhtơn, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ M.Hammơ (ngày 3-1), đã thẳng thừng bác bỏ "tối hậu thư" này. Cùng ngày, Đức cũng lên tiếng sẽ không có gì thay đổi trong chính sách với Iran và khẳng định, đề xuất của cộng đồng quốc tế về trao đổi urani với nước này hồi tháng 12-2009 vẫn còn nguyên giá trị...

Bên trong một nhà máy hạt nhân của Iran ở Ixphahan.

Ngày 2-1, phát biểu trên đài truyền hình nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao Iran M.Mốttaki tuyên bố, phương Tây "chỉ còn đúng một tháng để quyết định" có chấp nhận những điều kiện của Iran hay không. Theo đó, phương Tây bán nhiên liệu hạt nhân cho Iran, hoặc đổi nhiên liệu hạt nhân lấy urani làm giàu ở cấp độ thấp của Iran, nhưng việc trao đổi phải được thực hiện tại Iran hoặc một nước thứ ba. Ngoại trưởng Mốttaki tuyên bố, nếu các yêu cầu này không được đáp ứng, Iran sẽ tự sản xuất urani làm giàu cấp độ 20%. Đồng thời, chính quyền Têhêran cũng bác bỏ thời hạn chót (ngày 31-12-2009) mà Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đưa ra hồi tháng 11-2009, đề nghị Iran chuyển phần lớn lượng urani đã làm giàu cấp độ thấp hiện có sang Nga và Pháp để xử lý thành những thanh nhiên liệu làm giàu ở cấp độ 20%, sau đó chuyển trở lại Iran để sử dụng trong lò phản ứng nghiên cứu phục vụ y tế ở Têhêran.

Rõ ràng, vấn đề hạt nhân Iran lại nóng lên ngay trong những ngày đầu năm mới 2010. Diễn biến này không nằm ngoài dự đoán của dư luận Vùng Vịnh. Bởi trước đó, trong những tháng cuối năm 2009, các cuộc thảo luận xung quanh cuộc khủng hoảng hạt nhân này luôn lâm vào ngõ cụt. Đề nghị mua nhiên liệu từ phương Tây, hoặc trao đổi urani lấy các thanh nhiên liệu với số lượng nhỏ và thành nhiều lần của Têhêran đã không được Mỹ và phương Tây chấp thuận. Nỗ lực nhằm kiểm chứng bằng được chương trình hạt nhân bên trong lãnh thổ quốc gia Vùng Vịnh này của Mỹ và các nước phương Tây luôn bị Têhêran bác bỏ đã khiến tình hình thêm phức tạp. Thêm vào đó, chính sách "cây gậy và củ cà rốt" mà Oasinhtơn và phương Tây áp dụng quanh cuộc khủng hoảng này đã không phát huy hiệu quả. Bằng chứng là bất chấp việc có thể sẽ phải hứng chịu những lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) nếu tiếp tục tham vọng hạt nhân, mới đây, Têhêran đã công bố kế hoạch xây dựng thêm 10 cơ sở làm giàu urani. Đây là cơ sở để Têhêran đưa ra "tối hậu thư" nêu trên.

Vấn đề dư luận quan tâm là niềm tin giữa các bên liên quan trong vấn đề hạt nhân của Iran đã không được tạo dựng. Các cường quốc phương Tây luôn cho rằng tham vọng hạt nhân của Iran là nhằm sản xuất vũ khí hạt nhân. Vì thế, các cuộc đàm phán luôn ở thế "giằng co" trong suốt năm qua đã không dẫn tới một kết quả khả quan nào. Ngày 3-1, các cố vấn của Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama đã bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào báo cáo tình báo của Mỹ năm 2007, trong đó cho rằng Iran đã ngừng phát triển vũ khí hạt nhân từ 4 năm trước đây, họ khẳng định, Têhêran vẫn thúc đẩy hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Cùng với Mỹ, giới tình báo các nước Anh, Pháp, Đức và Ixraen… cũng đưa ra đánh giá tương tự.

Hiện tại, Iran đã phải chịu 3 lệnh trừng phạt của HĐBA LHQ liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân và Oasinhtơn đang ráo riết vận động để nhận được ủng hộ của HĐBA về áp đặt các biện pháp trừng phạt tiếp theo và cứng rắn hơn nữa nếu Têhêran không đáp ứng những yêu cầu liên quan đến việc đình chỉ phát triển hạt nhân. Cú "phản pháo" tức thời của Oasinhtơn - chỉ trong khoảng 24 giờ - trước "tối hậu thư" của Têhêran, được xem là để dọn đường cho một lệnh trừng phạt mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cú “phản pháo” đốt nóng Vùng Vịnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.