(HNM) - Đó là kết quả mà Tổng thống Iran Mamút Amađinêgiát có được sau chuyến thăm Trung Á vừa diễn ra. Ngay trong chuyến thăm này, Têhêran đã có hợp đồng quan trọng với Tuốcmênixtan khi nguyên thủ hai nước cùng khánh thành (ngày 6-1) đường ống dẫn khí đốt từ quốc gia Trung Á này sang Iran với tổng chiều dài 35km.
Tổng thống Iran M.Amađinêgiát và người đồng cấp G.Bơdimuhamêđốp khánh thành đường ống dẫn khí từ Tuốcmênixtan sang Iran.
Theo đường ống vừa được vận hành, khí đốt từ mỏ Đốplêtabát lớn nhất Tuốcmênixtan sẽ cung cấp cho Iran ngay trong mùa đông này với công suất 20 tỷ mét khối/năm (gấp đôi so với trước). Cùng với đó, tuyến đường sắt dài 325km đi từ tỉnh biên giới Atrắc (Tuốcmênixtan) qua Cadắcxtan đến thành phố Gôgan (miền Bắc Iran) đã chính thức khởi công. Đường xe lửa trị giá 650 triệu USD, do Iran đầu tư, sau khi hoàn thành trong 2 năm tới sẽ thúc đẩy thương mại, du lịch giữa 3 nước (Tuốcmênixtan, Cadắcxtan và Iran); đồng thời sẽ kết nối tuyến đường sắt dài 900km giữa Iran với các nước láng giềng Trung Á khác…
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới đang diễn ra, cú đột phá của Iran tại Trung Á mang lại nhiều ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran với phương Tây không ngừng gia tăng do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Với hành động ngoại giao "phá vây" vừa diễn ra, Têhêran dự kiến không những thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương với Tuốcmênixtan lên mức 10 tỷ USD trong 5 năm tới (so với mức 3 tỷ USD hiện nay) mà còn thiết lập thêm một đồng minh quan trọng cả về kinh tế lẫn chính trị tại các diễn đàn đa phương. Từ mối quan hệ vừa được làm mới bằng khí đốt, Iran hy vọng Tuốcmênixtan sẽ ủng hộ các chính sách của Têhêran trên các diễn đàn quốc tế. Đây là điều Têhêran rất cần trong tình hình hiện nay, khi mà một lệnh trừng phạt mới xung quanh cuộc khủng hoảng hạt nhân của nước này đang được các cường quốc phương Tây, đứng đầu là Mỹ, đang lăm le tiến hành.
Không phải chờ đợi lâu, ngay 48 giờ trước khi lít khí đốt đầu tiên từ Đốplêtabát tới Iran, Têhêran đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của Tổng thống Tátgikixtan E.Rakhmôn. Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Iran, ngày 4-1, ông E.Rakhmôn đã khẳng định sự ủng hộ chương trình hạt nhân vì hòa bình của Iran và nêu rõ, những vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này cần phải được giải quyết bằng con đường đối thoại và ngoại giao chính trị. Về phần mình, ông M.Amađinêgiát khẳng định, không một nhân tố nào có thể làm suy yếu mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc anh em. Hai nước Iran và Tátgikixtan là một, hai nước có chung một ngôn ngữ, chung nền văn hóa, tôn giáo và truyền thống...
Rõ ràng, sự thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng và chính sách ngoại giao năng lượng nhằm tập hợp một mặt trận đồng minh mới quanh mình là điều mà Tổng thống M.Amađinêgiát muốn thực hiện qua chuyến công du tới một số nước khu vực Trung Á. Quyết tâm ấy đã thành công ngoài mong đợi. Mặc dù là nước có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới nhưng Iran lại phụ thuộc từ bên ngoài 50% nhu cầu khí đốt nội địa. Có bạn hàng năng lượng lớn từ quốc gia láng giềng có trữ lượng khí đốt lớn thứ tư thế giới, Têhêran sẽ chủ động hơn về năng lượng để duy trì nền kinh tế của đất nước vốn đang khó khăn do phải chịu lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc do chương trình hạt nhân của nước này. Thắt chặt liên minh với Tuốcmênixtan, nước cung cấp một lượng khí đốt lớn cho châu Âu, hiển nhiên, Têhêran sẽ khiến các quốc gia phương Tây phải cân nhắc trước khi gật đầu với lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran.
Như vậy, trong một nỗ lực "phá vây", Iran đã bất ngờ tạo thế mới trong cuộc khủng hoảng hạt nhân đang đi đến thời điểm kịch tính khi cả Oasinhtơn lẫn Têhêran đều đã đưa ra "tối hậu thư" cho đối phương. Cú liên kết mới giữa Iran và Trung Á trong tuần đang càng khiến cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran diễn biến khó lường khi các bên vẫn quyết không thay đổi lập trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.