(HNM) - Bệnh viện quá tải, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người bệnh, người nhà bệnh nhân không được tư vấn, chăm sóc tử tế, lại thêm cả chuyện "cò" bệnh viện lộng hành khắp nơi. Đề án thành lập Phòng Công tác xã hội - Chăm sóc khách hàng tại các bệnh viện đang được Bộ Y tế triển khai thí điểm với mục tiêu làm hài lòng người bệnh và mong dẹp được nạn "cò".
Nhân viên xã hội - họ là ai?
Tại cuộc họp với báo giới về dự án nhân viên công tác xã hội tại bệnh viện, vừa được Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách y tế cho rằng, nhân viên công tác xã hội cần thực hiện 4 nhiệm vụ: chăm sóc, nâng đỡ tinh thần cho người bệnh, liên kết và cung cấp thông tin dịch vụ khám, chữa bệnh, tìm nguồn tài trợ hỗ trợ bệnh nhân khó khăn.
Khám, chữa bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Nhật Nam |
Trong 2 năm qua, đã có hai bệnh viện ở Việt Nam là Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) thí điểm thành lập Phòng Công tác xã hội. Mặc dù mới chỉ hỗ trợ người bệnh theo hướng thấy người khó khăn thì giúp tiền, thấy bệnh nhi không được đi học thì tìm cách cho các cháu đi học, tức là chưa thực hiện đầy đủ ý nghĩa của Phòng Công tác xã hội, nhưng sự có mặt của "Phòng Công tác xã hội" ở 2 bệnh viện này đã khiến bệnh nhân phấn khởi hơn rất nhiều. Bà Hoàng Bích Hường, Giám đốc Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân số - y tế cho biết, qua điều tra nhanh tại Bệnh viện Nhân dân 115 cho thấy, năm 2009, tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân chỉ là 25% thì năm 2011 đã lên đến trên 90%.
Theo đánh giá của ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, hoạt động khám, chữa bệnh ở các tuyến mới được thực hiện bởi các nhân viên có trình độ chuyên môn y khoa, chưa quan tâm đến các biện pháp trị liệu về xã hội. Tình trạng hầu hết các bệnh viện quá tải, nhân viên y tế không có đủ thời gian và khả năng để giải quyết các bức xúc của bệnh nhân, như tư vấn phác đồ điều trị, cách phòng ngừa, trấn an tinh thần, cung cấp thông tin phòng khám phù hợp…
Không nên để chậm
Mục tiêu của đề án phát triển nghề công tác xã hội trong lĩnh vực y tế 2011-2020 vừa được ban hành, đến năm 2020, 80% cán bộ lãnh đạo và 70% công chức, viên chức trong toàn ngành nhận thức được vai trò của công tác xã hội với chăm sóc sức khỏe; các cán bộ lãnh đạo có cam kết triển khai Phòng Công tác xã hội tại bệnh viện họ đang làm việc. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu triển khai như vậy là quá chậm. Trong hoàn cảnh bệnh viện quá tải, chất lượng điều trị đang xuống cấp thì đề án này được triển khai càng nhanh, càng sớm sẽ càng tốt cho bệnh nhân.
Theo bà Hoàng Bích Hường, một điều tra gần đây cho thấy, thực tế rất nhiều cán bộ lãnh đạo các bệnh viện hiện chưa hiểu vai trò của công tác xã hội trong bệnh viện, họ lo ngại có thêm nhân viên công tác xã hội sẽ làm tăng quỹ lương bệnh viện, bớt lương của cán bộ y tế. Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy nhân viên công tác xã hội có vai trò quan trọng với chăm sóc sức khỏe cả ở cộng đồng, bệnh viện, trong khi đó việc hoạch định chính sách ở nước ta, đặc biệt trong môi trường dịch vụ y tế bị mất cân bằng cung - cầu nghiêm trọng. Một số ý kiến cho rằng, nên để mục tiêu 80% bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh triển khai Phòng Công tác xã hội - Chăm sóc khách hàng trong thời gian từ nay đến năm 2020, sau đó mới triển khai đến bệnh viện tuyến huyện do tuyến huyện vẫn còn hiện tượng thừa giường bệnh, thiếu người bệnh.
Hiện tại đã có một số cơ sở đào tạo cử nhân công tác xã hội. Tại các bệnh viện, người bệnh thường rất thiếu thông tin và nhiều khi đành phải tin vào "cò". Nếu có nhân viên bệnh viện hướng dẫn, điều đó đáng quý biết bao. Chưa kể những hoạt động xã hội khác cũng đang rất cần vai trò của các nhân viên công tác xã hội như kết nối các "mạnh thường quân" hỗ trợ bệnh nhân nghèo, chăm sóc tinh thần bệnh nhân, hỗ trợ bệnh nhi điều trị dài ngày học văn hóa… Tại Bệnh viện Nhi trung ương, gần đây với sự trợ giúp của các nhóm tình nguyện và tổ chức xã hội, đã có một số hoạt động chăm sóc tinh thần như chương trình nhà hát bệnh viện, bữa ăn miễn phí hay chương trình cùng đi học. Tuy nhiên, chương trình như thế nên có mặt ở tất cả các bệnh viện vì bệnh nhân nào cũng mong muốn được chăm sóc khi họ ốm đau. Khi bệnh nhân hài lòng, họ sẵn sàng chi trả xứng đáng, chi phí đó có thể dành ra để chăm sóc bệnh nhân nghèo và hỗ trợ chi trả cho nhân viên xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.