(HNM) - 30 nghìn tỷ đồng là số lỗ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (DNNN) vừa được Thanh tra Chính phủ công bố. Một trong những vấn đề bức thiết được đặt ra hiện nay là phải gấp rút tái cơ cấu khối DNNN, một phần quan trọng của đề án tái cơ cấu nền kinh tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ đã xây dựng đề án thành lập Tổng cục Giám sát DNNN (trực thuộc Bộ) nhằm tăng cường năng lực quản lý, giám sát vốn nhà nước tại DN. Số lỗ 30 nghìn tỷ đồng nêu trên sẽ được phân tích cụ thể và yêu cầu từng đơn vị xử lý theo đúng pháp luật.
- Tái cơ cấu DNNN là một trong những nhiệm vụ cơ bản nhằm thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Với nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính sẽ triển khai những biện pháp cụ thể gì nhằm thực hiện đề án quan trọng này?
- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN, trong đó trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ 2 đề án quan trọng, đó là: đề án tái cơ cấu DNNN và đề án thoái vốn đầu tư ngoài ngành của khối DN này. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ hiện nay là xây dựng thể chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tái cấu trúc DNNN. Bên cạnh đó, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định hoặc thông tư hướng dẫn quản lý quỹ cổ phần hóa DNNN. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện cổ phần hóa DNNN theo đúng mục tiêu đã đặt ra. Đồng thời, Bộ sẽ thực hiện kiểm tra những DN cần phải thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, bảo đảm không để xảy ra sai phạm, thất thoát trong quá trình thoái vốn…
Trước mắt, để tăng cường công tác giám sát vốn nhà nước tại DN, Bộ đã trình Chính phủ đề án xây dựng Tổng cục Giám sát phần vốn tại DN với mục tiêu kịp thời phát hiện những bất cập, sai sót. Bộ sẽ điều động một số nhân sự hưởng lương Bộ Tài chính đến làm việc tại DNNN để thực hiện vai trò giám sát.
- Số thua lỗ 30 nghìn tỷ đồng của các DNNN do Thanh tra Chính phủ vừa công bố cho thấy công tác quản lý tài chính tại khối DN này còn nhiều "lỗ hổng" gây thất thoát vốn nhà nước. Thứ trưởng có thể giải thích cụ thể hơn về vấn đề này?
- Vừa qua, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra một số DNNN. Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về số thua lỗ 30 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng con số này không phải là vi phạm toàn bộ mà là tổng số các vấn đề cần phải giải quyết của các DNNN, trong đó có cả vấn đề về thủ tục hành chính, quy trình thủ tục, có vấn đề phải rút kinh nghiệm, sửa đổi cơ chế chính sách, chỉ một phần trong đó có sai phạm như về pháp luật, về thuế.
Đơn cử con số 18 nghìn tỷ đồng đối với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam). Trong số 18 nghìn tỷ đồng, thì trên 15 nghìn tỷ đồng là chi phí tập đoàn thực hiện cho nhiệm vụ của Nhà nước là đầu tư ở nước ngoài. Thiếu sót ở đây là, theo quy định, khi sử dụng nguồn vốn này phải nằm trong danh mục các công trình trọng điểm về dầu khí nhưng tập đoàn chưa bổ sung, cập nhật vào nên không thể nói đó là thất thoát. Còn khoản hơn 600 tỷ đồng mà tập đoàn đã ứng vốn cho một số địa phương có thể hiểu là khi đầu tư khoản vốn này, nhiệm vụ của tập đoàn là đầu tư trong hàng rào, nhiệm vụ của Nhà nước là phải đầu tư vào những chương trình kết cấu ngoài hàng rào... Trong điều kiện Petro Vietnam đầu tư vào những địa phương khó khăn thì địa phương đó rất khó có vốn để đầu tư đồng bộ và kết cấu ngoài hàng rào nên tập đoàn đã ứng vốn để thực hiện. Như vậy, có thể nói, Petro Vietnam thực hiện ứng như vậy là sai sót về mặt thủ tục và thẩm quyền nhưng không phải là thất thoát vốn… Tiếp thu ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, Petro Vietnam đã có phương án xử lý như trừ vào tiền thuê đất hoặc giao đất, yêu cầu địa phương bố trí để hoàn ứng trả…
Về khoản 1.900 tỷ đồng là số vốn thu được từ công tác cổ phần hóa. Theo quy định, các đơn vị thực hiện cổ phần hóa xong phải nộp về tổng công ty, tập đoàn nhưng lại nộp chậm. Như vậy là sai quy định nhưng chưa là thất thoát. Vì vậy, các cơ quan chức năng sẽ phải đôn đốc, xử lý phù hợp… Với những sai sót về thuế, vi phạm thuế, Bộ Tài chính đã có trách nhiệm xử lý để tập đoàn chấp hành, thực hiện.
- Nhiều ý kiến cho rằng cơ chế quản lý tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty còn lỏng lẻo khiến sai phạm nảy sinh. Vậy cần làm gì để khắc phục tình trạng nêu trên?
- Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định này. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống cơ chế chính sách và phương thức tổ chức thực hiện là hết sức cần thiết. Vấn đề này Thủ tướng đã có những chỉ đạo cụ thể. Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi thấy cần sớm xây dựng và ban hành nhóm cơ chế liên quan đến quản lý và giám sát việc đầu tư vốn trong DNNN. Vốn ở đây không chỉ là vốn nhà nước mà kể cả vốn vay cũng phải chịu sự giám sát quản lý. Nhóm cơ chế thứ hai là quản lý quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính của DN. Thứ ba là nhóm cơ chế buộc DNNN phải thực hiện minh bạch, công khai tài chính, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Nhóm cơ chế thứ tư liên quan đến tổ chức thực hiện như thành lập Tổng cục Giám sát vốn và tài sản nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát vốn nhà nước tại DN.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.