Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cù Lao Chàm- Điểm đến mới lạ và đầy hấp dẫn

Hưng Thịnh| 30/09/2012 23:02

(HNMO)- Những năm gần đây, Cù Lao Chàm (thành phố Hội An) đã trở thành điểm du lịch đầy lôi cuốn, khó lòng cưỡng lại đối với nhiều du khách mỗi khi có dịp đến với vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Cách đất liền khoảng 18km nên du khách chỉ mất khoảng 30 phút đi tàu thủy cao tốc là đã có thể đến với Cù Lao Chàm.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Cù Lao Chàm là khu bảo tồn biển thứ 2 của Việt Nam, với diện tích 5.175ha mặt nước. Nơi đây ghi nhận sự hiện hữu của các sinh cảnh, đa dạng sinh học biển thuộc loại bậc nhất Việt Nam với hơn 310ha rạn san hô, 500ha thảm cỏ biển cùng nhiều loài thủy hải sản có giá trị.

Không chỉ nổi trội về sinh cảnh và đa dạng sinh học biển, Cù Lao Chàm còn sở hữu những cánh rừng nguyên sinh. Bên cạnh đó, Cù Lao Chàm còn có 7 di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia. Có thể nói, những giá trị này có liên hệ mật thiết, gắn liền với lịch sử của đô thị cổ Hội An, vùng hạ lưu sông Thu Bồn, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế. Chính vì vậy mà Unesco đã công nhận Cù Lao Chàm là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 5-2009.

Cù Lao Chàm là khu bảo tồn biển thứ 2 của Việt Nam


Cù Lao Chàm là một quần đảo gồm 8 đảo lớn nhỏ khác nhau, trong đó đảo lớn nhất là Hòn Lao (hay còn gọi là Bãi Làng)- trung tâm hành chính của quần đảo. Cù Lao Chàm có dân số 3.000 người. Hơn 80% dân số trên quần đảo sinh sống dựa vào tài nguyên và môi trường biển, với nghề chính là đánh bắt cá gần bờ. Phương tiện đánh bắt của cư dân trên đảo đều nhỏ, công suất thấp, ngư lưới cụ giản đơn như thúng chai, tàu thuyền có động cơ công suất nhỏ.

Giếng nước ngọt trên đảo Hòn Lao


Cù Lao Chàm có gần 300 loài san hô rạn, thuộc 40 giống và 17 họ. Các thảm cỏ biển có 5 loài ở các vùng nước 10m trở lại. Cù Lao Chàm có 97 loài thân mềm có liên hệ với các rạn san hô, thuộc 61 giống và 39 họ. Các loài tôm hùm quen thuộc 105 giống, 40 họ. Đánh cá rạn là hoạt động đánh bắt đa chủng loài với nhiều loại hình ngư lưới cụ khác nhau được sử dụng.

Nghề đan võng (nguyên liệu từ vỏ cây ngô đồng) vẫn được người dân trên đảo Cù Lao Chàm duy trì


Từ năm 2005, khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được thiết lập đã hỗ trợ tích cực cộng đồng địa phương các phương pháp khai thác bền vững và bảo vệ môi trường tự nhiên, đặc biệt là các rạn san hô- tài sản quý giá của xứ đảo này.

Điểm du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn

Cù Lao Chàm được du khách biết đến như một điểm du lịch nghỉ dưỡng biển mới lạ và hấp dẫn. Những bãi cát trắng mịn trải dài trên vùng biển tràn đầy san hô là điểm thu hút du khách. Khách du lịch đến với Cù Lao Chàm ngày càng tăng, nhất là khi nơi đây được Unesco công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Hải Tạng Tự trên đảo Bãi Làng- điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan


Đến với Cù Lao Chàm, ngoài đi tham quan phong cảnh, các di tích văn hóa lịch sử, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân trên các đảo, nhất là đảo Hòn Lao, du khách còn được đi ngắm nhìn, khám phá các rạn san hô dưới lòng biển, sau đó nghỉ ngơi, ăn trưa dưới những rặng dừa bên bờ biển…

Ngày càng có nhiều du khách đến với Cù Lao Chàm


Thực tế trong những năm qua, phát triển du lịch tại Cù Lao Chàm bên cạnh đem lại cơ hội để tăng thu nhập, việc làm, trao đổi văn hóa cho cư dân địa phương còn là thách thức cho công tác quản lý của chính quyền địa phương. Bởi vậy cần phát triển du lịch Cù Lao Chàm theo hướng bền vững, trong đó tập trung gìn giữ môi trường trong sạch, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và tri thức địa phương.

Chỉ mất khoảng 30 phút du khách đã có thể từ đất liền đặt chân lên quần đảo Cù Lao Chàm


Bởi vậy, từ tháng 10-2006, hợp phần sinh kế bền vững bên trong và xung quanh khu bảo tồn biển đã được triển khai tại Cù Lao Chàm với mục tiêu chính là cải thiện sinh kế của người dân theo hướng phát triển bền vững. Đến nay, một số mô hình đã triển khai như: chế biến nước mắm nguyên chất, thủy sản khô, rau sạch, chăn nuôi, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng… Các hoạt động trên đã mang lại hiệu quả kinh tế quan trọng, góp phần cải thiện đáng kể cơ cấu kinh tế, xã hội của cộng đồng địa phương, đặc biệt là nhận thức và năng lực của người dân được nâng lên rõ rệt. Trong những mô hình đã và đang được triển khai, định hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng được xem là phù hợp với điều kiện của người dân địa phương.

Cù Lao Chàm điểm đến mới lạ và đầy hấp dẫn


Có thể nói, một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ bảo tồn biển tại Cù Lao Chàm là sự tham gia của cộng đồng và thực hiện cơ chế đồng quản lý. Vì vậy, điều kiện cơ bản thiết yếu nhất là phải xây dựng một cộng đồng vững mạnh về nhận thức, năng lực, phát triển sinh kế bền vững để có được nền tảng của sự đồng thuận, từ đó mới có thể dựa vào sự chia sẻ và đóng góp của cộng đồng tham gia hợp tác đồng quản lý.

Cộng đồng Cù Lao Chàm được trang bị về kiến thức, công cụ đã tham gia các hoạt động quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển sinh kế bền vững, các tổ chức hội nghề nghiệp thành lập và đi vào hoạt động để đạt được mục tiêu cộng đồng là hạt nhân trong cơ chế đồng quản lý để phát triển bền vững. Chính vì vậy, du khách khi đến Cù Lao Chàm đều không khỏi ngạc nhiên trước ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh của người dân sinh sống trên đảo. Đơn cử, du khách trước khi đặt chân lên đảo đã được hướng dẫn viên du lịch khuyến cáo không nên mang theo túi ni lông để đựng đồ, bởi trên các đảo người dân đều đựng đồ bằng các túi đựng được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường.

Người dân trên đảo Cù Lao Chàm luôn ý thức trong việc bảo vệ môi trường


Hiện nay, phần lớn du khách đến Cù Lao Chàm thường đi trong ngày. Tạm biệt Cù Lao Chàm ai cũng mong có dịp được trở lại. Đến Cù Lao Chàm xin hãy nhớ: “Không giết gì ngoài thời gian, không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những bọt sóng lăn tăn”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cù Lao Chàm- Điểm đến mới lạ và đầy hấp dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.