(HNM) - Bức xúc vì nguồn nước bị ô nhiễm nên nhiều năm nay, nhiều người dân xã Cự Khê liên tục kiến nghị huyện Thanh Oai đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức sử dụng nước sạch cho nhân dân thôn Thượng, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai). |
Trước đây, gia đình bà Hoàng Thị Chúc, ở thôn Thượng thường xuyên sử dụng nước mưa và giếng khoan để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Từ khi sông Nhuệ bị ô nhiễm, ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước giếng khoan nên mỗi tháng gia đình phải chi bình quân 200.000 đồng mua nước đóng bình để ăn uống. Đây là số tiền không nhỏ đối với người dân nông thôn. Vì vậy, khi Nhà máy nước sạch Cự Đà hoàn thành, bà Hoàng Thị Chúc là gia đình đầu tiên của thôn Thượng đăng ký lắp đặt đồng hồ. Tuy nhiên, đến nay gia đình bà Chúc vẫn chưa được sử dụng…
Trái ngược mong muốn của bà Chúc, gia đình bà Nguyễn Thị Xếp không đăng ký sử dụng nguồn nước do Nhà máy nước sạch Cự Đà cung cấp mà tiếp tục sử dụng nước giếng khoan và nước mưa để sinh hoạt hằng ngày… Nguyên nhân là do gia đình khó khăn nên không có 2 triệu đồng để nộp kinh phí lắp đặt đồng hồ và cho rằng nước mưa cũng là nước sạch… Cùng suy nghĩ đó, một số người dân ở thôn Thượng không ủng hộ việc thi công công trình cấp nước sạch của doanh nghiệp, khiến cho tiến độ thực hiện dự án bị chậm...
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Bách Thảo, Bí thư Chi bộ thôn Thượng cho biết, thôn có 420 hộ dân nhưng hiện nay mới có 130 hộ đăng ký dùng nước sạch từ nhà máy. Theo ông Thảo, ngoài những nguyên nhân trên thì hiện nay, nhiều người dân ở xã đã đầu tư hệ thống bể lọc lắng khá hiện đại nên bà con chưa mặn mà đăng ký sử dụng nước sạch của doanh nghiệp đầu tư...
Thực tế, nguồn nước ở Cự Khê qua hệ thống lọc thô sơ như người dân đang sử dụng khó có thể bảo đảm chất lượng. Ông Trịnh Hồng Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Nhất Phát cho biết: Phát hiện nguồn nước bị ô nhiễm asen ở mức cao, cách đây 9 năm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ 50% kinh phí để xã Cự Khê xây dựng công trình cấp nước sạch quy mô 500m3/ngày đêm phục vụ cho làng nghề Cự Đà. Tuy nhiên, khi sử dụng hết phần kinh phí hỗ trợ, không được tiếp tục đầu tư nên công trình rơi vào cảnh dở dang, có nguy cơ bị bỏ hoang...
Thực hiện chủ trương của TP Hà Nội về việc xã hội hóa đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung, năm 2012, Công ty TNHH Đầu tư Nhất Phát đề nghị huyện Thanh Oai cho tiếp nhận trạm cấp nước dở dang này. Sau khi được giao, công ty đã đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình, đủ năng lực cấp nước bảo đảm tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho 7.200 người dân xã Cự Khê.
Ông Trịnh Hồng Kiên cho rằng, nhận thức của người dân về sử dụng nước sinh hoạt đang là thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung cần lượng vốn lớn, thực hiện trong thời gian dài và thời gian hoàn vốn chậm. Nếu các hộ dân không sử dụng hoặc tỉ lệ sử dụng thấp thì không những gây lãng phí nguồn vốn xã hội hóa mà mục tiêu chung của thành phố đến hết năm 2020 phủ kín nước sạch khu vực nông thôn cũng sẽ gặp khó...
Chủ tịch UBND xã Cự Khê Đặng Anh Phương cho biết: Thực tế chất lượng nguồn nước ngầm ở Cự Khê rất thấp; nhu cầu sử dụng nước sạch lớn nhưng vì chưa hiểu biết đầy đủ về lợi ích của nước sạch đối với sức khỏe, môi trường nên nhiều người còn băn khoăn… Thời gian tới xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng nước sạch; đồng thời giao bộ phận chuyên môn quản lý chặt chẽ việc đào giếng khoan đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, xã đang đề xuất các cấp, ngành hỗ trợ kinh phí lắp đặt đồng hồ, đường ống dẫn nước vào bể chứa cho gia đình chính sách, hộ nghèo… để cuối năm nay, cơ bản các hộ dân trên địa bàn xã Cự Khê được sử dụng nước sạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.