(HNM) - Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hiệu quả công tác dồn điền, đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, tạo “cú hích” để nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại giá trị thu nhập cao.
Theo thống kê, đến hết năm 2017, toàn thành phố đã dồn điền, đổi thửa được 78.751,3/76.281,6ha (đạt 103,2%). Diện tích đất dôi dư sau dồn đổi là 1.836,9ha, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng công trình phúc lợi, đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Trong công tác cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa cho các hộ nông dân, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết: Sở đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, máy móc, thiết bị, phôi giấy chứng nhận... đáp ứng yêu cầu của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã trong công tác cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa. Hằng tuần, Sở tổ chức họp giao ban với các huyện, thị xã để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, nhằm thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp, Sở chú trọng tạo thuận lợi về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, góp vốn thuê mượn đất nông nghiệp...
Bên cạnh đó, các huyện, thị xã và các xã vào cuộc quyết liệt nên đến nay, toàn thành phố đã cấp được 616.241/622.861 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa (đạt 98,94%). Nhiều địa phương đạt từ 99 đến 100% như các huyện: Thường Tín, Phúc Thọ, Thanh Trì, Thạch Thất, Ứng Hòa, Hoài Đức, Quốc Oai, Phú Xuyên. Còn lại 6.620 (chiếm 1,06%) giấy chứng nhận chưa cấp được bởi những nguyên nhân khách quan, như: Do người đứng tên trên giấy chứng nhận không có mặt tại địa phương, chủ đất đã chết, trong gia đình chưa thỏa thuận được di sản thừa kế, tranh chấp, khiếu kiện, chủ đất không hợp tác kê khai...
Kết quả khả quan trong công tác dồn đổi ruộng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy việc đưa cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, diện tích và quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng lên rõ rệt, như: Vùng trồng rau có 119ha nhà lưới, 15ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm (Đan Phượng, Ba Vì, Thanh Trì, Quốc Oai…); vùng trồng hoa có khoảng 110ha ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu, làm nhà màng, nhà lưới với quy mô nhỏ (Đan Phượng, Gia Lâm…); cây ăn quả có 924,5ha ứng dụng công nghệ cao (Sóc Sơn, Quốc Oai, Thanh Oai...) chiếm 6,2% tổng diện tích cây ăn quả toàn thành phố; chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật theo tiêu chuẩn an toàn sinh học (Gia Lâm, Thanh Oai, Thanh Trì…).
Đáng kể, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao, như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao với giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống từ 25 đến 30%; vùng sản xuất rau an toàn đạt giá trị từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả từ 0,5 đến 1 tỷ đồng/ha/năm; vùng trồng hoa, cây cảnh đạt từ 0,5 đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm… góp phần cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho nông dân đạt từ 42,5 đến 52 triệu đồng/người/năm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.