Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cú hích mang tên “Tam giác mạch”

Hoàng Ngân| 12/11/2015 06:43

(HNM) - Năm nay, lần đầu tiên Hà Giang tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch. Với Hà Giang, lễ hội không đơn giản là lời mời gọi du khách vượt đường xa tới miền biên viễn thưởng ngoạn vẻ hùng vĩ của núi rừng, vẻ đẹp của loài hoa tam giác mạch.

Đầu tháng 11, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới đã tham gia chuyến công tác - thực hành nghiệp vụ tại Hà Giang. Đó là lúc mùa hoa tam giác mạch đương độ đẹp nhất, tỉnh Hà Giang chuẩn bị tổ chức lễ hội hoa với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Mùa hoa tam giác mạch. Ảnh: Viết Thành



Vượt chặng đường hơn 500km từ Hà Nội lên tới địa đầu Tổ quốc, qua những địa danh nổi tiếng như cổng trời Quản Bạ, Yên Minh, cao nguyên đá Đồng Văn, Lũng Cú... một hành trình đậm chất phiêu lưu. Những khúc cua tay áo chắc chắn là thử thách không nhỏ với những người yếu bóng vía và cánh tài xế dưới xuôi. Xe nối hàng, người nối người, thường trực nỗi lo tắc đường. Đã vậy, như tin từ Hà Giang chuyển về, các khách sạn, nhà nghỉ, quán trọ tại các điểm dừng chân trong hành trình gần như kín phòng. Hàng nghìn người đang đổ về đây và ban tổ chức lễ hội đã tính triển khai phương án dựng lều bạt để phục vụ du khách.

Với sự hỗ trợ tận tình của Báo Hà Giang, chúng tôi thực hiện chuyến đi thực tế một cách thuận lợi. Đồng nghiệp Hà Giang đón khách với thông tin về lễ hội hoa, về những gì khiến cho vùng đất này trở nên quyến rũ, khiến giới trẻ khắp nơi "lên cơn sốt xình xịch" suốt bao ngày qua. Rằng, mùa này vượt cung đường từ TP Hà Giang lên Yên Minh, rồi từ Yên Minh lên cao nguyên đá Đồng Văn đến Lũng Cú..., khách du lịch không khỏi bị mê hoặc bởi những cánh đồng hoa tam giác mạch trắng tinh khôi khi mới ra hoa, lúc hồng tím rực rỡ khi vào độ chín. Hoa tam giác mạch được gieo khắp nơi, trên những triền núi cao, dưới thung sâu, ngay cả những thửa ruộng bậc thang trồng lúa, trồng ngô, giờ hết vụ chuyển sang trồng tam giác mạch. Những thảm hoa ngợp tầm mắt, len lỏi trên những tảng đá tai mèo rồi tràn ra vệ đường tạo sức hấp dẫn mãnh liệt cho vùng sơn cước. Những địa điểm có nhiều hoa nhất là Sủng Là, Đồng Văn, Phố Cáo, Ma Lé, Lũng Cú, Xín Mần…

Hành trình với hàng trăm cây số đường núi mở ra bao điều kỳ lạ. Thiên nhiên ban tặng cho Hà Giang rất nhiều di sản để mời gọi sự khám phá. Trên cung đường từ TP Hà Giang lên Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc… có nhiều địa danh nổi tiếng. Nào "cổng trời" Quản Bạ với ngọn núi đôi được truyền gọi Cô Tiên nằm dưới thung sâu, đẹp đến độ bất cứ tay săn ảnh nào cũng phải mê đắm. Nào phố núi Đồng Văn với những dãy nhà cổ bằng gỗ và khu chợ bằng đá, như người sở tại khăng khăng là "còn nguyên bản như khi người Pháp xây dựng từ thế kỷ XIX". Nào cột cờ Lũng Cú, nơi bất cứ ai vinh dự được đặt chân tới cũng lâng lâng cảm giác tự hào và tinh thần tự tôn dân tộc. Những ngày này, khi Hà Giang tiếp đón hàng nghìn lượt khách, cột cờ Lũng Cú là nơi thu hút nhiều đoàn tham quan. Bất cứ khi nào người ta cũng có thể bắt gặp những thanh niên mặc áo đỏ sao vàng nghiêm trang làm lễ chào cờ, hát vang Quốc ca để bày tỏ tình yêu Tổ quốc. Đoàn cán bộ, phóng viên của Báo Hànộimới đã có dịp trải nghiệm cảm xúc không thể nào quên khi hòa cùng dòng người trẻ trung hừng hực khí thế, cùng thực hiện nghi thức chào cờ Tổ quốc.


Đoàn cán bộ, PV Báo Hànộimới và đoàn viên thanh niên huyện Thanh Trì (Hà Nội) thực hiện nghi thức chào cờ, hát Quốc ca tại cột cờ Lũng Cú.


Vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng ẩn hiện qua cung đường Hạnh Phúc, nơi có đỉnh Mã Pì Lèng nổi tiếng với mỏm đá cheo leo. Từ đây, giữa cao xanh gió lộng, có thể thấy dòng Nho Quế lặng lờ uốn lượn như sợi chỉ sáng trắng xẻ đôi dãy núi khổng lồ. Từ Mã Pì Lèng lên Mèo Vạc mất chừng 45 phút, thị trấn đẹp như mơ với phiên chợ vùng cao và ở nơi đó khách thập phương có thể hiểu hơn về văn hóa, nếp sinh hoạt của đồng bào các dân tộc. Chợ Mèo Vạc bán đủ loại hàng hóa của đồng bào Mông, Dao, Lô Lô, Pu Péo, Pà Thẻn, từ vật nuôi như bò, dê, chó, ngựa… đến những sản vật của rừng. Phụ nữ vào chợ tất tả bán hàng. Đàn ông thư thả uống rượu, đến trưa, khi đã ngấm men, mặt đã ửng đỏ thì gọi vợ ra về. Nét sinh hoạt ấy diễn ra từ bao đời trở thành văn hóa của chợ phiên Mèo Vạc.

Người Hà Giang thích nghe sự tích gợi liên tưởng tam giác mạch là cây của trời, do nàng tiên Gạo, nàng tiên Ngô đổ mày gạo, mày ngô vào khe núi mà thành. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lạnh lẽo và nhiều sương muối nhưng những thân cây mỏng manh, những cánh hoa nhỏ li ti đã thể hiện một sức sống bền bỉ, mãnh liệt. Từ bao đời nay, cây tam giác mạch đã gắn bó với đời sống của đồng bào các dân tộc Hà Giang và nhiều khi là một trong những nguồn lương thực chính. Cây tam giác mạch còn non có thể làm rau ăn hằng ngày, cho hoa để ngắm và cho hạt làm bánh, ủ rượu.

Những ngày ở Hà Giang, bên những cánh đồng hoa tam giác mạch đã chuyển màu hồng hồng tim tím đẹp mê hồn, chúng tôi luôn vấn vương câu hỏi, rằng loài cây ấy, loài hoa ấy thân thuộc đến như vậy, chất chứa đến như vậy, sao đến giờ tỉnh Hà Giang mới lần đầu mở hội với quy mô tầm cỡ? Đồng nghiệp Hà Giang nói rằng, lễ hội không chỉ để khoe vẻ đẹp núi rừng với du khách, mà còn tạo cú hích cho du lịch phát triển. Lễ hội hoa gắn liền với định hướng của tỉnh về việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Từ đầu tháng 9, người dân được hướng dẫn gieo trồng hoa tam giác mạch theo quy hoạch. Huyện Đồng Văn khuyến khích bà con trồng trên diện rộng kèm cam kết thu mua hạt tam giác mạch sau khi thu hoạch với giá phù hợp. Kế hoạch hành động của chính quyền mở ra cơ hội tìm kiếm nguồn thu nhập đáng kể cho bà con. Cây tam giác mạch không chỉ cho cái ăn như trước nữa. Người trồng hoa có thể cho khách du lịch vào chụp ảnh và thu phí theo mức 10.000-20.000 đồng/người, bán hạt tam giác mạch cho du khách... Lợi nhuận từ cây tam giác mạch khiến bà con dân tộc hứng khởi, kết quả là hoa tam giác mạch ở Hà Giang nở rộ đúng thời điểm tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch lần đầu tiên.

Khách du lịch tiếp tục đổ về Hà Giang. Lễ hội hoa tam giác mạch đã ở rất gần. Khách đông, phòng trọ, nhà nghỉ đều đã kín người, Hiệp hội Du lịch của tỉnh phải bố trí hàng trăm lều bạt trên đồi để có thêm chỗ ngủ cho du khách. Chưa có thống kê đầy đủ về số người đã tới Hà Giang trong mùa hoa tam giác mạch 2015 nhưng hôm nay 12-11, khi chỉ còn ít giờ nữa là đêm hội khai mạc, người ta đã có thể cảm nhận về một chủ trương đúng, kế hoạch bài bản của Hà Giang nhằm thúc đẩy du lịch phát triển.


Tối 12-11, lễ hội hoa tam giác mạch với chủ đề "Cao nguyên đá - ngàn hoa khoe sắc", do UBND tỉnh Hà Giang tổ chức sẽ diễn ra. Chương trình được dàn dựng với các hình thức nghệ thuật như ca khúc kể về các truyền thuyết hoa tam giác mạch, các tiết mục múa dân gian, múa khèn của dân tộc Mông, Dao, Tày... sinh sống trên cao nguyên đá Đồng Văn… Lễ hội kéo dài tới ngày 15-11 với nhiều sự kiện thú vị như: Festival khèn Mông lần thứ ba; triển lãm ảnh với chủ đề về cao nguyên đá Đồng Văn, Hội chợ du lịch cao nguyên đá…
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cú hích mang tên “Tam giác mạch”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.