(HNM) - Khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, lượng hàng tồn kho liên tục tăng cao và sức mua giảm mạnh là những thách thức lớn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong những tháng đầu năm 2012.
Gói giải pháp tài chính hỗ trợ DN và thị trường trị giá 29.000 tỷ đồng được Chính phủ công bố tại Nghị quyết (NQ)13/CP được coi là "cú hích" quan trọng giúp DN vượt qua khó khăn đồng thời kích thích sức mua trên thị trường. Song theo phản ánh của một số DN, gói giải pháp sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu Chính phủ có thêm những chính sách bổ trợ, giúp DN, thị trường có thể "hồi sinh".
Tiếp cận vay vốn ngân hàng, vấn đề khó khăn với nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Trần Thanh Hải |
Nhiều doanh nghiệp "chết lâm sàng"
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong những tháng đầu năm 2012, chỉ số tồn kho của nhiều ngành kinh tế ở mức khá cao. Trong đó, sản phẩm tồn kho của ngành chế biến và bảo quản rau quả tăng 94,8%, phân bón: 63,4%, xi măng: 44,2%, chế biến thủy sản: 35,2%... Những khó khăn trong hoạt động SXKD của DN đã ảnh hưởng tới số thu thuế nội địa và xuất nhập khẩu. Tổng thu thuế nội địa quý I đã giảm và chỉ bằng 96,9% so với cùng kỳ năm trước. Số nợ thuế những tháng đầu năm cũng tăng gần 30% so với thời điểm cuối năm 2011.
Trước những khó khăn của các DN, trung tuần tháng 5-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13, quyết định sử dụng gói hỗ trợ tài chính trị giá 29.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN, đồng thời kích thích sức mua trên thị trường. Nhận xét về gói hỗ trợ, nhiều DN đã đánh giá cao phản ứng kịp thời của Chính phủ, ngành chức năng trong việc hỗ trợ DN vượt khó. Song theo ông Trịnh Sỹ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tràng An, hiện nay nguyên liệu đầu vào vẫn biến động tăng mà đầu ra cho sản phẩm lại khó khăn. DN đã đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi, nhưng sức mua vẫn giảm tới 20% so với năm ngoái và lượng tồn kho khá nhiều. Từ thực tế của DN, ông cho rằng, gói hỗ trợ tài chính sẽ không hiệu quả với những DN đã "chết lâm sàng" bởi họ không có lãi thì việc giảm 30% thuế thu nhập DN (TNDN) là không có ý nghĩa và việc giãn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cũng chẳng có tác dụng gì. Tuy nhiên, trong số những DN đã mấp mé bờ phá sản, vẫn có những đối tượng đáng cứu và Nhà nước nên có chính sách đặc thù để vực họ dậy. Để gói giải pháp hỗ trợ tích cực cho DN, thủ tục ưu đãi thuế nên thực hiện theo hướng tinh giản, chặt chẽ và nên tránh kiểu "xin - cho", gây áp lực không đáng có cho DN.
Đồng quan điểm này, ông Đoàn Trọng Lý, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu cho rằng, đối tượng cần hỗ trợ lúc này là các DN còn tồn kho nhiều sản phẩm, nguyên liệu và đang tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, nếu chỉ giảm 30% số thuế TNDN thì đối tượng được thụ hưởng thực sự mới chỉ dừng ở những DN đang làm ăn có lãi và việc giãn thời gian đóng thuế GTGT cũng không có tác dụng nhiều. Để hỗ trợ những DN đang gặp khó khăn, nên tạo điều kiện cho DN được vay vốn với lãi suất thích hợp để có sản phẩm đầu ra giá thành phù hợp. Giải pháp nữa là giảm thuế GTGT đầu vào cho DN.
Phân bón là một trong những sản phẩm có lượng tồn kho khá cao trong những tháng đầu năm 2012. Ảnh: Lã Tuấn Anh |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.