Theo dõi Báo Hànộimới trên

Củ hành bóc mãi vẫn cay

Hoàng Định| 07/07/2015 06:34

(HNM) - Nguyễn Ngọc Tiến là phóng viên Ban Phóng sự, Báo Hànộimới, luôn phải đi tìm kiếm những


Những bài báo, dù xuất hiện khá thường xuyên, nhưng chưa thu hút quá nhiều sự chú ý. Vậy mà, đến khi được tập hợp thành sách, chúng khiến tên tác giả trở thành "địa chỉ" tìm đọc với những người muốn tìm hiểu về thủ đô nghìn năm văn hiến. Những chuyện bình thường, không hẳn liên quan đến các sự kiện vĩ đại nhưng "cuốn" quanh cuộc sống mỗi thị dân. Nếu "5678 bước chân quanh Hồ Gươm" tạo nên sự tự tin, thì cuốn "Đi dọc Hà Nội" và "Đi ngang Hà Nội" đem lại cho ông danh hiệu và giải thưởng về những đóng góp cho đô thị cổ nhất nước.

Bây giờ là "Đi xuyên Hà Nội", tập khảo cứu mới ra ở nhà xuất bản Trẻ đầu quý III. Nó làm tôi hình dung một Nguyễn Ngọc Tiến với "tâm hồn ăn uống", nhìn thành phố như củ hành nhiều lớp, cứ nhẩn nha bóc tý một ra thưởng thức, hết lớp này đến lớp nọ vẫn cay sực lên. "Xuyên" đây chả phải theo nghĩa địa lý, không mở ra đến đất đai mới sáp nhập có núi non, cư dân nông nghiệp và tộc Mường, tộc Dao, mà vẫn là vùng lõi với những đặc trưng đô thị. Sự tìm hiểu ngược lên theo thời gian (có lúc hơi lan man) khiến các đề tài biệt thự, quảng cáo, nhập cư, thi cử… hiện ra thành một quá trình, tạo hứng thú cho người đọc ưa so sánh xưa với nay. Có những thứ đã trình ra trong các tập sách trước, nay được đả động lại với những tư liệu, nhận xét mới, có khi kéo đến năm 2014: biệt thự, nhà trọ, xẩm, Hồ Gươm… Nhiều đối tượng phản ánh được tiếp cận từ ca dao, tục ngữ, vừa dễ đọc vừa tạo được chiều sâu mới mẻ.

So với tập đầu - "5678 bước chân quanh Hồ Gươm", đến đây, cách viết của Nguyễn Ngọc Tiến thay đổi khá nhiều. Từ chỗ mô tả, kể là chính, ông mấp mé bước qua sự cung cấp tư liệu thuần túy khi đưa cái riêng của mình vào nhiều hơn. Những bài về người Hà Nội gốc, người nhập cư đã đặt ra các vấn đề về xã hội học đô thị. Trong giọng văn báo chí chen vào những quan sát rất hóm: lá hoàng lan rụng "hơi cong như thiếu nữ làm dáng" trong khi hoa sữa thì "tiện dân". "Nếu ví thanh lịch như đoàn tầu thì đầu tầu hẳn là tầng lớp trung lưu". "Xe buýt Karosa dài ngoẵng từ Trôi, Nhổn ra phố Lò Đúc chỉ có thịt chó. Con chó vàng ươm vì lá hiên, da căng lên vì được ngâm nước nhe cả hàm răng nằm gọn trong thúng, bên cạnh là mớ dồi còn hơi nóng kích thích vị giác cánh đàn ông trên xe". Hay "Có họ gốc, có họ mới và mỗi họ có niềm tự hào hay nỗi đau nuốt vào trong". Đấy là những thẩm định, so sánh mang ý vị văn hóa của người từng trải.

Phải nói thêm về "bếp núc" trong lao động "bóc củ hành" của Nguyễn Ngọc Tiến. Ông đã làm mới mình khi lọ mọ tìm tư liệu trong thư viện, kho lưu trữ, báo chí tiếng Việt, tiếng Pháp. "Lịch sử truyền thống công an quận Hoàn Kiếm 1945 - 2004" chẳng hạn, tưởng là khô khan mà "vắt" được nhiều chi tiết đắt. Một lao động dày công bồi đắp kiến văn của tác giả. Vì "củ hành" Hà Nội có nhiều lớp nên công cuộc khảo cứu còn dài dài, tưởng rất nên có mục "Tài liệu tham khảo" và hệ thống chú thích dầy dặn, để mà tạo thêm sự tin cậy nơi người đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củ hành bóc mãi vẫn cay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.