Cục CSGT và lực lượng chức năng 4 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ sẽ ra quân phạt người uống rượu bia khi tham gia giao thông vào buổi trưa, chiều tối, trong dịp 2/9.
Theo Cục CSGT (Bộ Công an), việc ra quân kiểm soát người điều khiển phương tiện uống rượu bia nằm trong chuỗi kế hoạch chung của đơn vị, nhằm đảm bảo việc đi lại cho nhân dân được an toàn dịp Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Kế hoạch cao điểm xử lý vi phạm sẽ được CSGT toàn quốc thực hiện từ 16/8 đến hết 15/9.
Cục CSGT nêu rõ, tại 4 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ, đơn vị sẽ phối hợp với công an địa phương luân phiên lập chốt gần các nhà hàng, quán rượu bia vào giờ cao điểm (11h-14h; 16h-21h) để xử phạt người vi phạm theo Nghị định 46.
CSGT sẽ xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện. Ảnh: Cục CSGT. |
Ngoài ra, trong dịp cao điểm này, CSGT cũng huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế tai nạn, ùn tắc, đặc biệt là tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đối với xe khách.
Ngoài 4 thành phố lớn kể trên, lực lượng CSGT các địa phương, nhất là những điểm có nhiều khách du lịch đến tham quan, vui chơi, hay trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, đường cao tốc cũng được yêu cầu tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi lái xe uống rượu, bia quá nồng độ cồn quy định.
Ngoài ra, các lỗi điều khiển xe chạy quá tốc độ; xe khách dừng, đỗ, đón trả khách không đúng quy định; chở quá số người quy định; không chấp hành hiệu lệnh, tín hiệu giao thông… sẽ được CSGT tập trung xử phạt.
Cục CSGT cũng đề nghị các lực lượng làm nhiệm vụ kiên quyết, áp dụng các biện pháp mạnh để xử lý những trường hơp cản trở, chống lại người thi hành công vụ; bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng cho cán bộ CSGT.
Từ 1/8, Nghị định số 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được áp dụng với mức phạt nặng hơn, thay thế các nghị định cũ.
Với nhóm vi phạm về nồng độ cồn:
1. Đối với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự như ôtô vi phạm quy định nồng độ cồn.
+ Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
+ Phạt tiền từ 7-8 triệu đồng với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 ml/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3-5 tháng.
+ Phạt tiền từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 4-6 tháng.
2. Đối với người điều kiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại tương tự xe mô tô và các loại tương tự như xe gắn máy vi phạm quy định nồng độ cồn.
+ Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
+ Phạt tiền từ 3-4 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3-5 tháng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.